Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu từ lúc khởi phát đến khi tử vong. Tại Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.
Trao đổi với phóng viên về việc lây nhiễm bệnh qua tiếp xúc với người bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Họ sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác”.
Theo TS. Phu, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B, lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng (mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh).
“Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay… mà chúng ta vệ sinh kém. Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi ta không biết bị lây từ nguồn nào”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, phổ bệnh lâm sàng của bệnh bạch hầu đa dạng từ bệnh nhân không triệu chứng, bạch hầu da đến tình trạng viêm họng giả mạc, bạch hầu hô hấp hoặc nhiễm độc toàn thân.
“Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh từ 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: đau họng (85-90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to”, bác sĩ Cấp nói.
Ngoài ra, giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26-40%). Bệnh nhân cũng có thể bị chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
“Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. Viêm cơ tim cấp tính biểu hiện bằng suy tim sung huyết, sốc và có thể tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Dự phòng
TS. Phu cho biết phòng bệnh bạch hầu có vắc xin DTaP trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vắc xin kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần và có thể tiêm nhắc lại với vắc xin bạch hầu.
“Người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách li cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách li bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh” - theo bác sĩ Cấp.
Trẻ cần được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều cơ bản sau đó thì tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung…
Ngoài ra, người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh bề mặt bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, người bệnh đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi...
Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin.
Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, thường xuất hiện, gây ra các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi do không được tiêm vắc xin hoặc chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD).
Tại Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
“Mặc dù bệnh hay xảy ra ở khu vực miền núi nhưng chúng ta cũng không được chủ quan, khi dịch bùng phát thì bất kì ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do tiêm chủng hoặc do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác”, PGS.TS Trần Đắc phu khuyến cáo.