Nguồn cảm hứng từ tiếng Việt
Trung du học Mỹ từ năm lớp 11, và giống như nhiều bạn bè Việt Nam khác, hay bị các bạn Mỹ đùa về “giọng Việt” vì phát âm chữ “đờ” rất khác hệ ngôn ngữ của họ. Thi thoảng nghe các bạn nhại chữ Đ, Trung cũng buồn cười. Đến một ngày mới phát hiện ra chữ D trong hệ tiếng Anh khi phát âm phải cuốn lưỡi đẩy lên, trong khi chữ Đ của tiếng Việt thì lưỡi đập vào trong, và có thể tạo ra một âm rất mạnh giống tiếng gảy đàn. Trung dùng 3 năm để tập trung vào phần đập lưỡi và làm mạnh âm, đẩy nhanh tốc độ phát âm. Trong trận chung kết của giải World Beatbox Camp 2017, Trung dùng chính tác phẩm tự sáng tác “Everyday” nhấn xuống “day… day… day” chinh phục toàn bộ khán giả, khiến họ điên cuồng vì phấn khích. Đối với người châu Âu và Mỹ, đây là một âm lạ chưa từng xuất hiện. Cũng nhờ điểm nhấn này, Trung thắng một beatboxer kỳ cựu người Nga giành ngôi vị quán quân.
Vừa qua, trong đêm nhạc “Nam Nhi” tại L’espace, chính cảm hứng chữ Đ của Trung đã giúp Ngô Hồng Quang viết mới bài “Đom đóm đen” toàn chữ Đ đem đến một không khí vui nhộn, phấn khích cho toàn bộ khán phòng. Ra về, rất nhiều người còn tủm tỉm nhẩm lại: “Đêm đông đốt đèn đi đâu đấy, đêm đông đốt đèn đi đãi đỗ đen, đánh đổ đèn…”.
Cũng bởi vì sự gắn bó với tiếng Việt, Trung nhận lời đi biểu diễn ở Ba Lan cho cộng đồng người Việt ngay khi Ngô Hồng Quang đề nghị dù ở Mỹ anh thường từ chối rất nhiều show diễn để dồn sức cho việc chính là học thiết kế đồ họa. Trung kể, ở Ba Lan lần đầu diễn kết hợp nhạc cổ truyền dân tộc và beatbox, ngay cả nghệ sĩ cũng hoang mang không đo được kết quả, nhưng lại nhận được sự ủng hộ “quá lửa” của cả người lớn và trẻ em.
Trong kho tàng tiếng Việt còn một chữ không đụng hàng nữa mà theo Trung rất đặc trưng là chữ B (bờ), cũng khác hẳn chữ B (bi) của tiếng Anh. Hiện Trung đang tập trung vào tập chữ này, để có thêm một mã nhận dạng khi cộng đồng beatbox quốc tế tìm đến anh.
Mỗi tế bào đều chơi nhạc
Trung có duyên trên sân khấu. Sau một số đêm diễn ở Việt Nam, có khán giả nhận xét: “Xem Trung Bảo chơi beatbox được thỏa mãn cả phần nghe và phần nhìn, cảm giác như từng tế bào của anh ấy đều chơi nhạc”. Thậm chí đứng chung sân khấu với đàn anh Ngô Hồng Quang, Trung cũng không hề bị lấn át. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, bản thân Ngô Hồng Quang không giấu sự mến tài với cộng sự mới của mình. “Trung cho tôi lửa và cảm hứng sáng tác mới. Beatbox của Trung làm cho các tác phẩm của tôi sinh động và đương đại hơn”, anh nói.
Một số nhạc sĩ nghe Trung và Quang biểu diễn cho biết: “Âm thanh beatbox rất điện tử, nhưng nghe lại rất aucostic, kết hợp với nhạc dân tộc cho cảm giác thật, rất người”.
Trung kể, trong các phần biểu diễn của mình, anh rất chú ý đầu tư phần nhìn gồm động tác biểu hiện và nhảy bởi thường nó đem lại hiệu quả hơn hẳn khi chỉ tập trung chơi beatbox. Qua nghiên cứu cá nhân, Trung nhận ra nếu kết hợp động tác tay, chân, đầu… với âm thanh, khán giả sẽ như nhìn thấy âm thanh. Anh tận dụng tối đa ưu thế “không cần cầm nhạc cụ, hai bàn tay được giải phóng” của các beatboxer để kết hợp nhuần nhuyễn với mỗi âm beatbox.
Thứ giúp Trung quản lý tốt hình ảnh của mình trên sân khấu chính là công việc thiết kế đồ họa. Mắt nhìn và tưởng tượng của một họa sĩ thiết kế khiến anh dễ dàng kiểm soát những động tác dư thừa. Một nguyên tắc nữa trong phần nhìn của Trung là không bắt chước, cơ thể đi theo âm thanh, tự nhiên và phù hợp bản thân chứ không nhất thiết mô phỏng hay bắt chước một ai đó khác.
Ban đầu, đồ họa là nghiệp chính của Trung, hiện nay beatbox tay ngang đã sánh bằng công việc ghi trong lý lịch này. Càng chơi, Trung càng phát hiện, thì ra beatbox cũng có thể trở thành sự nghiệp, là một nhạc cụ độc lập, còn là một ngôn ngữ độc lập. Anh lấy nó bổ trợ cho công việc thiết kế, lấy thứ nọ bù trừ thứ kia, để “không nhàm chán” và “thoát bế tắc”. Một điều đặc biệt, cả hai công việc này, Trung đều thành tài nhờ tự học. Đối với beatbox cho đến giờ, Trung chưa từng học qua trường lớp nào. Học đồ họa tại Pacific Northwest College of Art (Mỹ) nhưng thời gian tự học của Trung cũng chiếm phần chính. Chưa tốt nghiệp nhưng đã có một công ty thiết kế lớn tại Đức mời anh làm việc. Trong số các job lớn nhỏ Trung từng làm qua, có cả những hợp đồng với Weiden+Kennedy (một trong những công ty quảng cáo lớn nhất thế giới).
Ba tiếng tập beatbox mỗi ngày
13 tuổi, anh trai giới thiệu cho Trung bản beatbox đầu tiên. Lập tức, cậu bé thích vẽ bị hút vào loại nghệ thuật mới này. Cũng chính anh trai, violinist Nguyễn Thiện Minh (hiện làm giảng viên tại Học viện âm nhạc quốc gia) hướng dẫn Trung làm quen với đồ họa. Anh trai với Trung vừa là thầy vừa là bạn. Chưa bao giờ Trung nghĩ hai anh em có cơ hội cùng đứng trên sân khấu bởi loại hình âm nhạc mỗi người theo đuổi có vẻ không liên quan đến nhau. Cho đến đêm diễn “Nam Nhi”, đặc biệt ở phần tam tấu Ngô Hồng Quang – Trung Bảo – Nguyễn Thiện Minh, nhiều người bị hút theo không khí bay bổng, tự do mà họ tạo ra, ít người biết, hai trong số ba nghệ sĩ là anh em ruột.
Suốt từ năm lớp 8 đến giờ, gần như chưa có ngày nào Trung ngừng tập beatbox. Từ giai đoạn đầu chỉ có những video “độ phân giải nát bét” cho đến khi thành người phát hành video dạy beatbox, trung bình mỗi ngày Trung tập 3-4 tiếng.
Sở dĩ đeo đuổi được dài lâu vì Trung không tạo áp lực về danh tiếng hay tiền bạc cho bản thân.
Trung bảo, nếu tính về thời gian tập luyện, một beatboxer luôn luôn tập nhiều hơn các nhạc công khác, bởi họ không phụ thuộc vào nhạc cụ, có thể tập ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào: nhà ga, sân bay, công viên, trong nhà, thậm chí toilette. Trung tự đánh giá mình: say mê nhưng có điều độ. Bằng chứng chưa bao giờ tập đến mức chảy máu miệng hay rụng răng (việc không hiếm ở các beatboxer khác). Nhưng Trung vẫn thuộc team work hard, làm việc siêu nhiều và cần mẫn như một nhà nghiên cứu.
Giải nhì Beatbox toàn nước Mĩ 2016;
Top 4 giải Beatbox thế giới Grand Beatbox Battle 2017;
Giải nhất Lion City Beatbox Battle 2017 tại Singapore;
Giải nhất World Beatbox Camp 2017 tại Ba Lan.