> Cách chữa u nang buồng trứng
Không kể tuổi tác
Sau khi sinh em bé ở Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), chị Nhung (30 tuổi, ở TPHCM) được các bác sĩ thông báo, con chị vừa chào đời bị u nang buồng trứng.
Trước đó, khi đi siêu âm thai, chị Nhung được bác sĩ chẩn đoán thai nhi mang khối u ở buồng trứng bên trái. Ngay sau đó, bé gái sơ sinh được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2 để bác sĩ phẫu thuật nội soi, cắt bỏ khối u này với kích thước 38 x 56 mm.
Bác sĩ Trương Anh Mậu, Khoa Ngoại BV Nhi đồng 2, cho biết: “Trẻ sơ sinh mắc u nang buồng trứng được xem là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên các trường hợp bé gái từ 5-15 tuổi mắc căn bệnh này không hiếm”.
Trước đó, một bé gái 11 tuổi ở Bình Dương được người nhà đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Quốc Ánh (TPHCM) do đau bụng dữ dội.
Sau khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện khối u buồng trứng to ở bên phải kèm theo bị xoắn ở cuống. Sau đó, bệnh nhi này được cắt bỏ u nang thành công.
Tháng 3-2011, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ phẫu thuật nội soi thành công khối u buồng trứng nặng 500g cho bé gái 5 tuổi.
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y dược TPHCM, cho biết, u nang buồng trứng không trừ phụ nữ lớn tuổi hay nhỏ tuổi. Tuy nhiên, do chủ quan, rất ít phụ huynh nghĩ con mình có nguy cơ bị bệnh u nang.
Cảnh giác cơn đau bụng
Theo bác sĩ Hà, buồng trứng là một cơ quan của bộ phận sinh dục nữ, vừa tiết Estrogen là kích thích tố nữ để phát triển giới tính và kinh nguyệt cho bé gái, vừa phóng noãn để duy trì nòi giống.
Tuy nhiên căn bệnh này thường gặp nhiều ở lứa tuổi dậy thì và chị em trưởng thành.
Theo bác sĩ Mậu, u nang buồng trứng được chia làm hai loại: U nang cơ năng và u nang thực thể. Các nang cơ năng thường tự biến mất trong vòng vài tháng và không gây triệu chứng.
Nhưng cũng có trường hợp u to lên quá mức làm xuất huyết nang, vỡ nang… cần phải cấp cứu. Còn u nang thực thể buồng trứng là những tổn thương xuất phát thật sự từ mô buồng trứng tiến triển thành những khối u to.
Quá trình này thường diễn ra trong nhiều năm. Loại này thường phải mổ cấp cứu với các biến chứng xoắn cuống nang, vỡ nang hoặc do chèn ép gây đau hay khó tiêu tiểu.
“Khi chưa có biến chứng, u nang buồng trứng thường gây các triệu chứng rất mơ hồ, một số trường hợp trẻ có thể có kinh nguyệt không đều, trẻ có thể đau vùng bụng đột ngột, kèm theo nôn.
Khám có thể thấy u vùng hạ vị, một số không có hiện tượng đau mà chỉ thấy trướng bụng, đi khám hoặc siêu âm phát hiện ra u buồng trứng”, bác sĩ Mậu cho biết.
Tầm soát phát hiện sớm
Theo bác sĩ Hà, nhiều chị em bị u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng, nếu không phát hiện kịp thời nguy cơ cắt bỏ u nang, thậm chí khi xâm lấn rộng, nguy cơ cắt bỏ tử cung rất dễ xảy ra và mất khả năng làm mẹ.
Nhiều trường hợp u nang to cả vài cân, nhiều phụ nữ tưởng có thai nhưng khi siêu âm mới vỡ lẽ bị u nang.
Đối với trẻ gái, khi thấy đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau hoặc bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau…, nên đến cơ sở chuyên khoa để khám ngay.
Bác sĩ Mậu cho biết, u nang buồng trứng hay gây xoắn buồng trứng. Nếu nang dưới 5 cm, phải được theo dõi cẩn thận. Khi nang trên 5 cm và trẻ có hiện tượng bí tiểu thì cần phải được mổ cấp cứu ngay để hạn chế xoắn, gây hoại tử buồng trứng.
Khoảng 2/3 trường hợp u buồng trứng ở trẻ em gái là u ác. Tuy loại u này ít xâm lấn, nhưng cũng hay gây biến chứng xoắn ruột làm hoại tử buồng trứng.
Phần lớn u buồng trứng ở trẻ em gái là u ác và dễ gây biến chứng xoắn ruột, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật nội soi cắt khối u sớm, khối u chưa ảnh hưởng buồng trứng, người bệnh vẫn có thể sinh con bình thường.