Bê bối khai khống lợi nhuận 1,2 tỷ USD của Toshiba

Rất ít công ty có được sự tôn trọng như Toshiba, nên việc tập đoàn nổi tiếng này lún vào một trong những bê bối kế toán lớn chưa từng có ở Nhật Bản đã thật sự gây sốc.
Bê bối kế toán của Toshiba đang đặt ra nhiều câu hỏi về văn hóa tập đoàn ở Nhật Bản. Ảnh: EPA.

Trong con mắt của nhiều người, nhiều thập niên qua, các tổng giám đốc (CEO) của Toshiba đều có vị trí hàng đầu trong xã hội. Tập đoàn này có một chỉ số kinh doanh nổi bật, được cho là kết hợp giữa lợi nhuận và sự quản trị tập đoàn trong sạch, hiện đại.

Tuy nhiên, hôm 21/7, CEO Hisao Tanaka cùng với nhiều quan chức tập đoàn đã từ chức, sau khi hãng bị phơi bày thổi phồng lợi nhuận lên tới 1,2 tỷ USD trong nhiều năm, từ 2008. Con số này tương đương 1/3 các khoản lợi nhuận trước thuế mà Toshiba báo cáo trong thời gian đó.

Một báo cáo độc lập đã quy kết bê bối này là do áp lực từ ban lãnh đạo công ty phải đạt được những mục tiêu khó khăn, và môi trường trong nội bộ công ty không cho phép nhân viên phản đối cấp trên của mình.

"Toshiba có lịch sử 140 năm và giống như một sinh viên luôn dẫn đầu lớp khi nói về quản trị tập đoàn", tờ New York Times dẫn lời ông Shin Ushjima – một luật sư giữ vai trò Chủ tịch của tổ chức giám sát có tên Mạng lưới Quản trị Tập đoàn.

"Cổ phiếu của Toshiba có mặt trong các kế hoạch lương hưu của mọi người. Trách nhiệm của các giám đốc là vô cùng nặng nề".

Bê bối của Toshiba đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về các nỗ lực của Chính phủ Nhật nhằm cải thiện lĩnh vực quản trị và văn hóa tập đoàn. Năm ngoái, chính phủ nước này đã ban hành một loạt hướng dẫn dành cho các nhà quản lý và đầu tư tổ chức.

Toshiba thừa sức đáp ứng được hầu hết các điều khoản – vốn bao trùm nhiều vấn đề, chẳng hạn như số lượng giám đốc độc lập mà các hãng dự kiến sẽ thuê.

"Toshiba thỏa mãn bề ngoài của bộ luật chứ không đáp ứng được chất lượng", New York Times trích lời bình luận của Toshiaki Oguchi, một chuyên gia về quản trị đã giúp chính phủ soạn ra các hướng dẫn trên.

Ông cho hay, hai trong 4 giám đốc bên ngoài của Toshiba từng là nhà ngoại giao, gần như không có kinh nghiệm giám sát các doanh nghiệp thương mại.

Nghi ngờ về báo cáo tài chính của Toshiba tăng cao kể từ tháng 4, khi hãng thông báo sẽ tiến hành kiểm tra những sai sót có thể về kế toán tại một trong các chi nhánh. Một cuộc điều tra nội bộ ban đầu phát hiện nhiều số liệu kiểm toán bất nhất lên tới hàng chục triệu USD.

Ngày 20/7, một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập mà Toshiba thuê tuyên bố, họ phát hiện thêm 151 tỷ Yên, tương đương 1,2 tỷ USD, tiền lợi nhuận khai khống.

Có rất nhiều vấn đề tồn tại ở hầu hết các ngõ ngách kinh doanh của tập đoàn, bao gồm nhiều sản phẩm, từ tủ lạnh tới nhà máy điện hạt nhân. Ủy ban còn cho biết, họ phát hiện "sự liên quan mang tính hệ thống, gồm cả quản lý cấp cao, với mục đích cố ý thổi phồng các mức lãi ròng".

Cũng theo ủy ban này, các quan chức tài chính của Toshiba đã "cố tình đưa ra những lời giải thích không đầy đủ với các nhà kiểm toán, với ý định thực hiện một cuộc che đậy hệ thống".

Tại cuộc họp báo ngày 21/7 ở trụ sở Toshiba, trước sự hiện diện của hàng trăm nhà báo và chuyên gia phân tích tài chính, CEO Hisao Tanaka cúi gập mình thể hiện sự ân hận.

"Tôi thành thật xin lỗi các cổ đông", ông nói và xác nhận hãng đã dính vào "kế toán không chính xác" nhưng quả quyết rằng vụ này không phải là chủ ý, và ông không chỉ đạo cấp dưới khai khống lợi nhuận của các chi nhánh.

Tuy nhiên, ông Tanaka thừa nhận: "Trách nhiệm thuộc về ban quản trị, kể cả cá nhân tôi. Để đáp lại, tôi sẽ rời khỏi chức vụ Giám đốc điều hành và Chủ tịch".

Chủ tịch Toshiba Masashi Muromachi sẽ tạm thời thay thế ông Tanaka cho đến khi một lãnh đạo mới được chỉ định vào tháng 9 tới. 

Giá cổ phiếu của Toshiba đã giảm 25% kể từ sau lời thú nhận hồi tháng 4. Ngay sau các quyết định từ chức được công bố ngày 21/7, giá cổ phiếu của tập đoàn này lập tức tăng hơn 6% trong cùng ngày.

Theo Theo VietNamNet