Bộ trưởng Nội vụ Giuseppe Pisanu đã khuyên mọi người không nên vì quá đau buồn trước cái chết của Giáo hoàng mà sao nhãng việc đi bỏ phiếu.
Quá trình bỏ phiếu ngày Chủ nhật 3/4 diễn ra khá chậm chạp do nhiều người vẫn chưa thể dứt ra khỏi sự đau buồn và xót thương Giáo hoàng. Trong ngày đầu tiên, mới có 14 trong 20 địa phương tiến hành bỏ phiếu.
Ngay từ tuần trước, khi tin tình trạng sức khỏe của Giáo hoàng suy yếu, người ta đã lo lắng tới khả năng ít người tham gia bỏ phiếu. Các bài báo về bỏ phiếu bị thay thế bởi những câu chuyện về Giáo hoàng
Đã có nhiều lời kêu gọi về việc trì hoãn toàn bộ cuộc bỏ phiếu, nhưng ông Pisanu phủ nhận việc này. Trả lời trên tờ báo công giáo Avvenire, ông Pisanu cho biết: "Bạn có thể hoãn một trận thi đấu bóng đá, chứ bầu cử thì không. Điều quan trọng nhất hiện nay là đừng để việc đau buồn chiếm hết tất cả mà quên mất nghĩa vụ công dân".
Hôm Chủ nhật, một phụ nữ tên là Francesca Girasole vừa rời Quảng trường Thánh Peter sau khi cầu nguyện cho Giáo hoàng cho biết: "Sáng nay khi người dân Italy thức dậy, cuộc bỏ phiếu đã không còn là cái mà họ nghĩ đến đầu tiên trong đầu. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đi bỏ phiếu, nhưng có thể sẽ là ngày mai".
Đây là cuộc bầu cử lần đầu tiên kể từ khi ông Romano Prodi - Cựu Chủ tịch Phái đoàn châu Âu trở về từ Brussels để điều hành phe đối lập trung tả. Liên minh trung hữu cầm quyền của ông Berlusconi đang chiếm ưu thế ở 8 trong số 14 cuộc bầu cử địa phương.
Các nhà phân tích cho rằng thắng lợi tại cuộc tuyển cử địa phương sẽ là một lợi thế lớn trong cuộc bầu cử quốc gia năm tới. Cuộc bỏ phiếu này dường như là cuộc trắc nghiệm của Thủ tướng Silvio Berlusconi.