Bất ngờ trước giá trị thật của cây sưa trước cổng Bệnh viện 108

Không ít người đã từng đi qua cổng Bệnh viện 108 trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhưng ít ai để rằng, trước cổng bệnh viện này lại có một cây sưa cổ thụ rất có giá trị.
Cây sưa trước cổng viện 108 rất có giá trị nhưng ít ai biết

Bởi, nếu không phải dân trong nghề thì cũng rất khó để định giá được giá trị của một cây gỗ quý. Vì nó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như: tuổi cây, tán cây, vòng thân, loại cây,... chưa kể đến việc bên trong thân cây đã bị mục rỗng chưa thì cũng phải có nghề mới nắm được.

Trao đổi với chị Ha, một dân buôn gỗ lâu năm ở làng Đông Giao (Cẩm Giàng, Hải Dương) thì được biết: “Trong làng nghề này cũng chỉ có vài nhà làm gỗ sưa, nhưng chủ yếu chỉ là mua theo cân, chứ chẳng mấy ai mua được cả cây ”.

“Nếu gỗ sưa đẹp, vân nhiều và đẹp, đẽo hết giác thì có giá 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại rẻ hơn từ 1 – 2 triệu/kg cũng có, tùy vào chất gỗ”, chị Ha cho biết thêm.

Tuy nhiên khi đưa chị Ha đến quan sát và đánh giá thì được biết: “Cây này cùng lắm là 18 - 20 tỷ thôi chứ không đến giá 50 tỷ như nhiều người đồn đại. Mà giá đấy là nếu gỗ đẹp đấy, còn gỗ của cây mà xấu thì chỉ tầm 2 triệu/kg thôi”.

Thân cây khá lớn, khoảng hơn 1m, 1 người ôm không xuể
“Chưa kể, cây này cành nhỏ, khó tận dụng hết được lõi gỗ. Dân buôn đi mua cây phải xem cành. Cành to làm mới đỡ lỗ, vì khi bỏ hết lớp vỏ thì còn phải bỏ lớp giác, cành to mới có ruột, có lõi tận dụng làm một số đồ nhỏ bù lại", chị Ha chia sẻ thêm.
Trong viện 108 vẫn còn 5 - 7 cây sưa khác, tuy nhiên, cây nhỏ và giá trị chưa cao
Nói là vậy, nhưng việc có một khối tài sản lớn đặt trước cổng viện cũng là một vấn đề khá lớn. Theo anh Ngô Văn Tiền – một bộ đội trực cổng viện cho biết: “Cây sưa giá trị có giá trị lớn để trước cổng nên cũng được bệnh viện quan tâm. Mỗi người được phân công trực cổng theo ca, mỗi ca 2 tiếng. Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự thì cũng phải để ý đến cây sưa 24/7, bất kể ngày đêm nên không lo có vấn đề gì”.
Cây gỗ quý
Phỏng vấn một số người đứng trước cổng viện, họ cho biết, thực sự cũng không hề biết đây là cây gỗ sưa vì không tìm hiểu sâu. Mà ngay cả biển tên trên cây cũng chỉ để cây gỗ quý nên cũng ít người để ý đến giá trị.

Bán cây sưa đã từng gây tranh cãi

Trước đây, ở làng Đông Cốc, xã Hà Mãn (Bắc Ninh), việc bán cây sưa hơn 200 tuổi cũng đã gây nhiều tranh cãi. Bởi đằng sau giá trị quá lớn ấy, còn nhiều uẩn khúc.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Khuyến, một người dân thôn Đông Cốc: "Đã từng có người đến trả giá cây sưa 200 tuổi lên tới 50 tỷ đồng, nhưng người dân không phải là người đứng ra chịu trách nhiệm mua bán mà do UBND Tỉnh Bắc Ninh có văn bản giao cho UBND huyện và xã hướng dẫn cho nhân dân xã Đông Cốc.”

Cổng đình Đông Cốc

“Lạ thay, cây sưa đã bị âm thầm đem đi đấu giá rồi về báo với dân làng là bán 24,5 tỷ đồng. Sau đó, rất nhiều cuộc họp mở ra, nhưng người dân trong thôn vẫn kiên quyết không bán với giá đó, bởi nó quá thấp so với giá trị của cây mà nhiều người đã trả giá, các cuộc họp đều có biên bản ghi lại”, ông Khuyến cho biết thêm.

Ông còn kể: “Mãi cho đến ngày 28 Tết âm lịch năm ngoái, sau nhiều ngày họp dân và xin chữ kí của dân về việc đồng ý bán cây với giá đó không thành, thì một hình thức khác được đưa ra lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhằm lấy được chữ kí".

Cây sưa 400 tuổi bị đồn dân làng muốn bán

"Đó là, chuyển sang hình thức “hỗ trợ và phát triển sản xuất nông nghiệp”, mỗi khẩu trong thôn sẽ nhận được 10 triệu đồng và người dân phải kí vào 1 biên bản nhận tiền. Nhưng người dân thôn Đông Cốc không biết được đó chính là kí vào biên bản đồng ý bán cây sưa đỏ 200 tuổi với giá 24,5 tỷ đồng”, ông Khuyến nói.

Thậm chí một cán bộ thôn còn trả lời trên báo rằng, người dân làng đang muốn bán cây sưa đỏ hơn 400 tuổi còn lại nằm trong khuôn viên khu di tích lịch sử và đang xem xét trình ý kiến đó lên cấp cao hơn.

Nhưng kì thực, khi đến xã Hà Mãn tìm hiểu thì không hề có chuyện đó, mà người dân vẫn đang ra sức giữ lại cây sưa quý giá hơn 400 tuổi này

Theo Theo Dân trí