Bắt giam cựu Chủ tịch Mobifone và vụ trưởng Bộ TT&TT

TPO - Cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà và Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT&TT) Phạm Đình Trọng bị khởi tố, bắt giam để điều tra liên quan đến sai phạm nghiêm trọng trong thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG
Ông Lê Nam Trà và ông Cao Duy Hải tại buổi công bố toàn văn kết luận thanh tra

Ngày 10/7, Cơ quan điều tra – Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"– theo Điều 220 Bộ luật hình sự 2015. Đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone và Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT để điều tra về cùng tội danh trên.

Trước đó, ông Lê Nam Trà - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Mobifone và ông Phạm Đình Trọng - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Tại kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Sai phạm nghiêm trọng…

TTCP xác định, quá trình thực hiện Dự án đầu tư, Mobifone, Bộ TTTT và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc: đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nghiệm thu, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần; lập dự án đầu tư, trình Bộ TTTT phê duyệt dự án đầu tư; ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; thanh toán các chi phí liên quan đến dự án... So với giá mua 95% cổ phần AVG là 8.889,815 tỷ đồng cho thấy nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, TTCP đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong thương vụ này từ việc báo cáo sai sự thật, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG của các đơn vị tư vấn không đảm bảo cơ sở pháp lý và độ tin cậy, đưa giao dịch vào danh mục “Mật”; đồng thời phanh phui “màn ảo thuật” biến lỗ thành lãi của AVG…

Khi báo cáo đề xuất đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG: “Từ năm 2012 đến năm 2014 thì doanh thu AVG tăng, lợi nhuận gộp đang tăng dần (dù đến nay vẫn đang lỗ kế hoạch), các chỉ số đều thể hiện sự tăng trưởng…”.

Ngoài xác định Bộ TTTT đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, TTCP còn chỉ rõ cá nhân ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ TTTT, đồng thời là tổ trưởng tổ thẩm định đã không làm hết trách nhiệm, có nhiều vi phạm.

Ông Trọng và tổ thẩm định đã sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ TTTT về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (dù Bộ Thông tin - truyền thông không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG. Mặt khác, khi tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, tổ trưởng đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên; việc đánh giá MobiFone nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về dự án, theo Thanh tra Chính phủ, là thiếu khách quan.

Bên cạnh đó, TTCP cũng chỉ ra sự tuỳ tiện của Mobifone trong việc sử dụng tiền Nhà nước: Trong bản Thảo luận chuyển nhượng cổ phần ký với đại diện cổ đông AVG, Mobifone đã cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả các khoản nợ với tổng số tiền 1.093 tỷ đồng. Đây là khoản tiền AVG đã vay của Cty cổ phần An Viên (600 tỷ đồng) và của Chi nhánh Viettinbank Hà Nội (gần 500 tỷ đồng). Mặc dù cam kết này chưa được thực hiện nhưng TTCP đánh giá nội dung này không đúng với Dự án đã được Bộ Thông tin truyền thông (TTTT) phê duyệt. Ngoài ra, Mobifone hạch toán các chi phí thực hiện dự án đầu tư vào chi phí quản lý hoạt động viễn thông với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng đã gây thất thu ngân sách 1,3 tỷ đồng.

Một dấu hỏi khác cần được làm rõ đó là việc Mobifone sử dụng 100% nguồn vốn chủ sở hữu để mua cổ phần của AVG, trong khi phương án trình Bộ TTTT phê duyệt thì Mobifone chỉ bỏ 30% vốn chủ sở hữu, còn lại 70% đi vay. “Thời gian thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG chỉ diễn ra trong vòng 19 ngày (từ 28/12/2015- 15/1/2016) có biểu hiện không bình thường” - TTCP đặt nghi vấn.

Liên quan đến sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngày 2/6 vừa qua, Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương (UBKT-TW) đã ra thông báo kết luận, xác định: "Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone… là rất nghiêm trọng,  làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".

Trách nhiệm “xuyên” hai đời Bộ trưởng…

Theo thông báo của UBKT-TW, ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm.

Đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCSĐ, Bộ trưởng Bộ TTTT, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.

Ngoài ra, UBKT-TW còn xác định: ông Phạm Hồng Hải, Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng Bộ TTT cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021. Ông Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định.

Ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Dự án.

Còn ông Lê Nam Trà, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Mobifone chịu trách nhiệm chính trong việc HĐTV Tổng công ty trình Bộ TTT quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến Dự án trái quy định. Cùng với đó, ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho HĐTV Tổng công ty trình Bộ TTT quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến Dự án trái quy định.

Nhiều Bộ ngành có liên quan

Cũng theo UBKT-TW, để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong Dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngoài Bộ TTTT, Mobifone, còn có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương. UBKT Trung ương yêu cầu BCSĐ, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT Trung ương.

Như Tiền Phong đã đưa tin trước đó, tại thông báo kết luận thanh tra Dự án nêu trên, Thanh tra Chính phủ xác định, Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có văn bản gửi Bộ TTTT có nội dung: “Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…”. TTCP cho rằng, các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, nhưng đã không hướng dẫn Bộ TTTT và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Bộ Tài chính có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cổ phần hóa Mobifone đã không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư Dự án (8.889,815 tỷ đồng, chiếm gần 60% Vốn điều lệ của Mobifone) ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc hiện thực hóa số thu của Nhà nước khi bán cổ phần Mobifone…