Bất bình đẳng giới làm tăng nguy cơ nhiễm HIV

TPO - Theo tài liệu Ước tính và Dự báo về HIV/AIDS tại Việt Nam 2007-2012, đến năm 2012, khoảng 77.000 phụ nữ có HIV trên cả nước. Tỉ lệ này tương ứng 30% các ca nhiễm HIV ở người trưởng thành (năm 2002 chỉ là 25%).

> 100 phụ nữ chịu ảnh hưởng HIV được hỗ trợ vay vốn
> Chuyện đời cô giáo mầm non có H+

Đây là thông tin được nêu ra trong hội thảo “Các bên liên quan về Giới và HIV’ diễn ra tại Hà Nội, ngày 11-5. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, không chỉ do tiêm chích, sử dụng ma túy, một trong những nguyên nhân đặt người phụ nữ đứng trước nguy cơ nhiễm HIV cao là giới tính.

Tỉ lệ phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng tăng

Hội thảo do USAID, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Pact, Hội Phụ nữ Việt Nam và Ford Foudation đồng tổ chức. Hội thảo đã lắng nghe báo cáo nghiên cứu “Phụ nữ và HIV tại Việt Nam” – đại diện tổ chức Pact, “Lây nhiễm HIV trong quan hệ bạn tình” của ông Christopher Fontaine (Cố vẫn Quan hệ đối tác UNAIDS) và thảo luận về vấn đề phụ nữ và HIV.

Theo kết quả nghiên cứu thông báo tại hội thảo, dịch HIV tại Việt Nam hiện tập trung ở các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới.

Từ những nước khác trong khu vực và liên hệ với thực tế Việt Nam, các báo cáo cho rằng tỉ lệ lây truyền HIV qua con đường quan hệ tình dục đang tăng lên. Có một sự dịch chuyển trong tỉ lệ những ca nhiễm mới từ những hành vi có nguy cơ cao chuyển sang những bạn tình khác; hay từ nhóm nguy cơ cao sáng nhóm ít có hành vi nguy cơ hơn.

Ảnh hưởng của vấn đề giới

Tại hội thảo, các báo cáo đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ phụ nữ mắc HIV là bắt nguồn từ giới. Dù xã hội có nhiều thay đổi về lối sống, kinh tế văn hóa..., có công ước quốc tế về quyền con người, luật pháp và chính sách bình đẳng giới, nhưng các chuẩn mực văn hóa liên quan đến giới tính và tình dục đã đặt người phụ nữ trước nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Trong xã hội vẫn quen nếp nghĩ đàn ông có thể có quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân. Chính điều này đã đặt người phụ nữ trước nguy cơ lây nhiễm HIV khi họ kết hôn hoặc khi có quan hệ tình cảm lâu dài với nam giới, kể cả khi chính bản thân họ không có các hành vi nguy cơ gây bệnh.

Không hiếm chuyện người phụ nữ đề nghị chồng, hay bạn tình sử dụng bao cao su bị coi là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Báo cáo của PACT có trích dẫn một phụ nữ ở Thái Bình nói: “Chồng tôi làm việc xa nhà, mỗi năm chỉ ở nhà có hai tháng. Khi tôi bảo dùng bao cao su thì chồng tôi không chịu và nói rằng thế là tôi không tin anh ấy.”

Trong chuyện “phòng the”, người phụ nữ ít có quyền chủ động trong việc đưa ra đề nghị, thương thuyết được sử dụng tình dục an toàn. Điều này càng dễ xảy ra đối với người phụ nữ đã hay từng là nạn nhân của bạo lực giới.

Tại hội thảo, các ý kiến còn cho thấy rằng mối liên hệ giữa bạo hành với tình dục không được bảo vệ và lây nhiễm HIV. Theo các nhà nghiên cứu, bạo hành tình dục đối với phụ nữ, bao gồm cả những phụ nữ đã có gia đình, đã đẩy họ đến nguy cơ lây nhiễm HIV nếu nam giới đã nhiễm HIV.

Thậm chí những bạo hành thân thể và tinh thần, hoặc đơn giản là sợ bạo hành cũng đã đẩy người phụ nữ vào nguy cơ lây nhiễm HIV vì làm hạn chế khả năng trao đổi vấn đề sức khỏe, quan hệ tình dục an toàn. Các nghiên cứu cũng cho rằng, những người phụ nữ từng bị bạo hành dễ có các hành vi nguy cơ lây nhiễm như: có nhiều bạn tình, bán dâm, sớm quan hệ tình dục và tỉ lệ sử dụng bao cao su thấp.

Các dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản mà phụ nữ thường sử dụng vẫn chưa thể đảm bảo dự phòng HIV hiệu quả, chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng bao cao su để giúp phụ nữ trong việc thương thuyết tình dục an toàn.

Các chuẩn mực văn hóa liên quan đến giới tính cũng làm tăng kì thị đối với người phụ nữ, người bán dâm, người sử dụng ma túy,… và ngay cả người sống với HIV. Các báo cáo chỉ ra rằng, xã hội dễ chấp nhận người nam giới sống chung với HIV hơn so với phụ nữ. Khác với người đàn ông bị nhiễm HIV do sử dụng ma túy được coi là "nạn nhân của tệ nạn xã hội", người phụ nữ nhiễm HIV sẽ bị chê trách là đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức.

Sự kì thị phân biệt này còn được thể hiện khá rõ trong hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV. Theo số liệu tại hội thảo thì 3/4 người chăm sóc người HIV là phụ nữ.

Nhận thức rõ vai trò của giới trong mối liên hệ lây nhiễm HIV, các nhà hoạch định chính sách đã và đang có những chương trình hành động can thiệp về giới và HIV.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hiền, Phó Vụ Trưởng Vụ văn xã, Văn phòng Chính phủ, cho hay: Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đề cập việc lồng ghép vào chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS như thu thập số liệu để tăng cường hiểu biết về những thách thức liên quan tới giới trong công tác phòng chống HIV/AIDS, truyền thông đại chúng những vấn đề liên quan giới và tập huấn cho cán bộ hoạch định chính sách, các nhà quản lí nhằm nâng cao bình đẳng giới trong các chương trình...

Mai Xuân Tùng
Theo Viết