

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Varasan Xaysana - hướng dẫn viên du lịch tại Bảo tàng nghệ thuật Lào - cho biết đây là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất về văn hóa Lào.


Bảo tàng khánh thành ngày 5/1 năm nay với tổng kinh phí đầu tư lên đến 50 triệu USD.

Đây là một khu phức hợp gồm văn phòng, không gian triển lãm văn hóa - nghệ thuật, tòa nhà đa năng và tòa nhà trưng bày các tác phẩm chạm khắc cũng như tranh gỗ.
Theo tìm hiểu, Bảo tàng nghệ thuật Lào được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại, tái hiện tinh hoa văn hóa Lào qua các thời kỳ.
Ghi nhận thực tế, không gian trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Lào bao gồm các bộ sưu tập nghệ thuật Phật giáo, tranh vẽ, điêu khắc, trang phục truyền thống và nhạc cụ dân gian mang đậm văn hóa Lào.
Những khúc gỗ hoặc gốc cây dùng trong tác phẩm chạm khắc tại bảo tàng đều là gỗ chết, mảnh vụn từ vùng lũ lụt để lại trong các dự án đập thủy điện, gỗ phế liệu hoặc gỗ không có giá trị cao. Tuy nhiên qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Lào chúng đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
"Bảo tàng trưng bày hơn 10.000 hiện vật, bao gồm các tác phẩm điêu khắc gỗ quý hiếm, đồ mỹ nghệ và nhiều hiện vật cổ giá trị và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện", ông Xaysana nói và nhấn mạnh đây không chỉ là một không gian trưng bày nghệ thuật mà còn là nơi lưu giữ và tôn vinh tinh hoa văn hóa Lào.
Ông Phisith Xayathit - người sáng lập kiêm Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Lào - bày tỏ công trình là biểu tượng của niềm hy vọng và kiến thức của người dân Lào, là bằng chứng cho thấy nghệ thuật Lào có thể xuất hiện và tồn tại trên trường quốc tế một cách đáng tự hào.
Các nhà quản lý của Lào hy vọng lượng khách tham quan Bảo tàng nghệ thuật Lào tăng cao sẽ góp phần tạo doanh thu cho các doanh nghiệp địa phương như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.