Người đứng đầu Các lực lượng vũ trang của CHDCND Triều Tiên hiện là Đại tướng Kim Keck-sik, 72 tuổi. Việc bổ nhiệm này là thêm một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Triều Tiên và quá trình thay đổi đã bắt đầu tăng tốc sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền.
Để hiểu được mức độ của sự thay đổi diễn ra trong giới lãnh đạo quân sự Triều Tiên, chỉ cần nhớ lại một hình ảnh hồi cuối tháng Chạp năm ngoái. Khi đó, chiếc xe chở linh cữu ông Kim Jong-il chậm chạp lăn bánh trên đường phố thủ đô Bình Nhưỡng. Trong số 8 người đi bên cạnh xe tang có tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Bên trái xe tang là các quân nhân cao cấp, còn bên phải là các quan chức dân sự.
Kim Jong-un đi đầu tiên ở hàng bên phải, chứ không đi bên trái gồm toàn tướng lĩnh. Mặc dù hệ thống tuyên truyền của Triều Tiên luôn luôn nhấn mạnh sự gắn kết mật thiết của nhà lãnh đạo mới với quân đội, trên thực tế ông Kim Jong-un từng tốt nghiệp trường tư Thụy Sĩ vẫn là một nhân vật dân sự.
Không bao giờ người ta thấy nhà lãnh đạo trẻ này ra trước công chúng trong bộ quân phục. Không loại trừ rằng việc đi thứ nhất ở hàng các quan chức đảng và nhà nước trong lễ tang chứ không phải là đi ở phía các tướng lĩnh, đã là quyết định thông qua hoàn toàn ý thức và cần chỉ ra cho tất cả thấy rằng, bất kể mọi sự tuyên truyền về nguyên tắc “quyền uy tối thượng của quân đội”, Kim Jong-un trước hết là nhân vật quản lý nhà nước chứ không phải là một vị tướng.
Tại lễ tang, trong hàng quân nhân dẫn đầu là Ri Yong-ho, người từng nắm giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên. Khi đó, ông được xem như là nhà lãnh đạo thực sự của quân đội Triều Tiên. Mà quả là thế, quyền lực quân sự cao nhất nằm trong tay ông này. Và hẳn là cũng chính điều đó đã phân định những sự kiện xảy đến với ông ta trong thời kỳ mới.
Tại cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, tổ chức vào sáng sớm Chủ nhật ngày 17-7-2012, đã có bố cáo rằng vì lý do sức khỏe Phó nguyên soái Ri Yong-ho được miễn trừ khỏi tất cả các chức vụ. Không ai biết về số phận tiếp theo của con người mới đó còn là nhân vật thế lực bậc nhất trong số các lãnh đạo quân sự của Triều Tiên. Chỉ một điều rõ ràng là ngày 17-7, quân đội Triều Tiên đã hứng chịu sự hạ bệ mạnh nhất.
Người thứ hai trong số 4 quân nhân đi bên xe tang ông Kim Jong-il là Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-chun. Ông này mất chức từ hồi tháng Tư. Quả thực, riêng với ông người ta đã xử sự có vẻ nhẹ tay: Kim Yong-chun là người duy nhất trong 4 vị tướng hộ tống xe tang không biến mất vô tăm tích khỏi vũ đài chính trị của đất nước.
Hiện nay, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng công tác trong Ủy ban Trung ương đảng, ở bộ phận chỉ đạo hệ thống quốc phòng dân sự của CHDCND Triều Tiên. Về mặt này, Triều Tiên khá giống Liên Xô trong những năm 60 và 70: những nhân vật quân sự thất sủng thường được phái đi làm việc trong hệ thống phòng thủ dân sự.
Người thứ ba trong số 4 quân nhân cao cấp ở lễ tang là Kim Chon-gak, khi ấy là Phó thủ trưởng quân ủy Quân đội nhân dân Triều Tiên. Ông này mất chức hồi tháng 11 và cũng giống như Ri Yong-ho, sau đó biến mất không dấu vết.
Cuối cùng, người đi chót trong hàng quân nhân bên xe tang, là U Ton-chyk Thứ trưởng thứ nhất Bộ Bảo vệ quốc gia. Do chức bộ trưởng từ lâu bỏ trống nên trên thực tế, U Ton-chyk đã là người lãnh đạo bộ này. Điều đó có nghĩa ông là nhà lãnh đạo thực tế của lực lượng cảnh sát chính trị, tình báo và phản gián của CHDCND Triều Tiên. Nắm giữ cương vị quyền lực đáng kể, nhưng U Ton-chyk cũng chẳng vinh hiển được lâu: trong tháng 4-2012, ông ta mất chức và cũng biến mất.
Kể từ đám tang ông Kim Jong-il đến nay, một năm đã trôi qua. Trong thời gian này, toàn bộ 4 nhân vật có cấp bậc quân sự cao nhất đã phải rời bỏ chức vụ và niềm vinh quang xưa. Trong đó chỉ duy nhất một trường hợp còn được vớt vát danh dự, còn 3 quân nhân bị tước mọi chức vụ và biến mất.
Mà cũng không riêng gì họ chịu kết cục đắng cay. Trong năm qua hầu như tất cả các tướng lĩnh có ảnh hưởng nhất của Bắc Triều Tiên đều bị cắt giảm quyền lực rõ rệt. Quá trình này bắt đầu ngay từ sinh thời ông Kim Jong-il, nhưng người con trai của ông đã thúc đẩy một cách đột ngột và nhanh chóng.
Trong khi người ta vẫn nhắc câu chuyện tưởng như bất biến về tính ưu việt của quân đội, năm vừa qua trung tâm quyền lực ở Bắc Triều Tiên rõ ràng đã chuyển sang phía Đảng Lao động Triều Tiên.
Theo Voice of Russia