Báo Nga 'chê' phòng không Trung Quốc
> Công nhân Trung Quốc bắt sếp người Mỹ làm con tin
> Mỹ củng cố lực lượng oanh tạc cơ
TPO - Mặc dù có nhiều tiến bộ song khả năng phòng không Trung Quốc trong cuộc chiến đấu với phần lớn các loại mục tiêu trên không hiện nay, cũng như trước đây vẫn còn rất hạn chế.
Tính từ giai đoạn chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc đã quyết tâm đầu tư phát triển lực lượng phòng không của mình và cũng đã có được những kết quả đáng kể.
Trong trang bị của bộ đội tên lửa phòng không Trung Quốc có 110-120 tổ hợp (tiểu đoàn) tên lửa phòng không HQ-2, HQ-61, HQ-7, HQ-9, HQ-12, HQ-16, S-300PMU, S-300PMU-1 và 2, tổng cộng khoảng gần 700 bệ phóng. Theo chỉ số này Trung Quốc chỉ kém Nga (gần 1.500 bệ phóng). Nhưng không dưới 1/3 số vũ khí này của của bộ đội tên lửa phòng không Trung Quốc là loại HQ-2 đã cổ lỗ (phiên bản tương tự tổ hợp tên lửa phòng không S-75), đang được tích cực thay thế.
Những hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên đã được cung cấp cho Trung Quốc từ Liên Xô vào cuối thập niên 1950 thế kỷ trước. Chính khi đó đã tạo ra những cơ sở cho việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Liên Xô và CHND Trung Hoa, mà mục đích chính của nó là xây dựng tại Trung Quốc với sự giúp đỡ của Liên Xô một cơ sở khoa học kỹ thuật hiện đại, có khả năng sản xuất và hoàn thiện các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự khác nhau.
Vào tháng 10.1957 tại Matxcơva đã diễn ra hội nghị Xô-Trung về những vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự, mà kết quả của nó là đã ký kết được một hiệp định về việc chuyển giao cho CHND Trung Hoa quyền sản xuất các loại vũ khí tên lửa hồ sơ kỹ thuật khác nhau, và đồng thời là hàng loạt công nghệ quốc phòng mới nhất. Ngoài ra, đã bắt đầu chuyển giao cho Trung Quốc một vài loại vũ khí tên lửa, trong đó có các tên lửa bắn từ máy bay, tên lửa chiến thuật và tên lửa phòng không. Vai trò của tên lửa phòng không đặc biệt tăng lên do diễn biến của cuộc khủng hoảng Đài Loan vào cuối tháng 8.1958. Trong những năm đó việc chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Đài Loan với quy mô lớn đã làm cho quân đội nước này mạnh lên. Không quân Đài Loan tiếp nhận một số máy bay trinh sát tầm cao RB-57D (không lâu sau thì cả Lockheed U-2) mà những tính năng của chúng vượt xa các khả năng mà các phương tiện phòng không Trung Quốc có được.
Vũ trang cho Đài Loan người Mỹ chẳng phải vị tha gì - mục đích chính của những chuyến bay trinh sát mà các phi công Đài Loan có nghĩa vụ thực hiện là thu được thông tin mà Mỹ cần thiết về việc chế tạo vũ khí hạt nhân tại CHND Trung Hoa.
Chỉ ngay trong 3 tháng đầu năm 1959, RB-57D đã thực hiện 10 chuyến bay nhiều giờ trên không phận CHND Trung Hoa, và vào tháng 6 năm đó các máy bay trinh sát đã bay qua không phận Bắc Kinh. Kỷ niệm 10 năm thành lập nước CHND Trung Hoa đang đến gần và có vẻ như những dự báo về việc ngày lễ trọng thể bị phá hoại sẽ trở thành hiện thực.
Trong tình hình như thế lãnh đạo Trung Quốc đã đề nghị với Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc trong điều kiện bí mật cao một số tổ hợp tên lửa phòng không “Dvina” SA-75 mới nhất. Mùa Xuân năm 1959, 5 tiểu đoàn hỏa lực và 1 tiểu đoàn kỹ thuật SA-75, gồm cả 62 tên lửa phòng không 11D đã được đưa tới Trung Quốc. Những khẩu đội đầu tiên bao gồm các quân nhân Trung Quốc đã được huấn luyện sẵn sàng thực hành chiến đấu. Đồng thời để bảo dưỡng những tổ hợp tên lửa này, một nhóm chuyên gia Liên Xô đã được cử đến Trung Quốc. Với sự tham gia của họ, ngày 7.10.1959 lần đầu tiên tại ngoại ô Bắc Kinh một máy bay trinh sát RB-57D của Đài Loan đã bị bắn hạ.
Việc nghiên cứu những mảnh vỡ của máy bay rơi cho thấy, chiếc máy bay trinh sát tầm cao RB-57D bị nổ tung ngay trên không trung và các mảnh vỡ của nó văng xa mấy cây số, còn phi công của máy bay trinh sát bị tử thương.
Cần nhớ rằng, đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không trong tình huống chiến đấu. Trong khi đó để giữ được hiệu quả bất ngờ và giấu kín việc Trung Quốc có kỹ thuật tên lửa mới nhất, lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đã thống nhất không công bố về máy bay bị bắn rơi. Nhưng ngay hôm sau các tờ báo của Đài Loan đã phát đi thông tin rằng, một trong số những chiếc RB-57D trong thời gian bay tập đã gặp tai nạn, bị rơi và chìm xuống biển Đông Hải. Để đáp lại điều này hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc đã ra tuyên bố như sau: ”Vào buổi sáng ngày 7.10, một máy bay trinh sát do Mỹ chế tạo kiểu RB-57D của Tưởng Giới Thạch với mục đích khiêu khích đã xâm phạm không phận các vùng Bắc Trung Quốc, đã bị các lực lượng không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa bắn hạ”. Tuy nhiên khi phân tích tổn thất một máy bay trinh sát tầm cao của mình trên không phận Trung Quốc người Mỹ cũng không loại bỏ kết quả liên quan tới tên lửa của Liên Xô này. Làm họ sửng sốt hơn là sự kiện xảy ra ngày 1.5.1960 tại vùng Xverđlôvxk, khi một máy bay U-2 mà trước đó không thể nào với tới đã bị một tên lửa Xô viết tiêu diệt.
Tất cả trên không phận Trung Quốc còn có 5 máy bay trinh sát tầm cao U-2 do các phi công Đài Loan điều khiển bị bắn rơi, một phần trong số họ thoát chết và bị bắt làm tù binh.
Những phẩm chất chiến đấu cao của vũ khí tên lửa Liên Xô đã thôi thúc lãnh đạo Trung Quốc xin giấy phép sản xuất SA-75, (tên Trung Quốc là HQ-1 tức là “Hồng Kỳ-1”), và ít lâu sau đã đạt được các thỏa thuận về việc này. Nhưng các bất đồng Xô-Trung bắt đầu tăng lên vào cuối thập niên 1950 đã trở thành nguyên nhân dẫn tới việc, ngày 16.7.1960 Liên Xô đã tuyên bố triệu hồi tất cả các cố vấn quân sự từ Trung Quốc về nước, điều này trên thực tế là khởi đầu việc tạm ngừng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Liên Xô và Trung Quốc mấy thập niên sau đó.
Trong những điều kiện biến chuyển, sự hoàn thiện sau đó vũ khí tên lửa phòng không tại CHND Trung Hoa bắt đầu được thực hiện trên cơ sở chính sách “dựa vào nội lực” được tuyên bố trong nước vào đầu thập niên 1960. Tuy nhiên chính sách đã trở thành một trong những định đề của cách mạng văn hóa này, áp dụng cho việc chế tạo các loại vũ khí tên lửa hiện đại đã tỏ ra ít hiệu quả, ngay cả sau khi CHND Trung Hoa bắt đầu tích cực lôi kéo các chuyên gia gốc Trung Quốc có chuyên môn phù hợp từ nước ngoài, trước hết là từ Mỹ. Trong những năm đó hơn 100 nhà khoa học lớn gốc Trung Quốc đã trở về. Song song với việc này hoạt động nhằm nắm bắt những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự cũng được đẩy mạnh, và những chuyên gia từ Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển và hàng loạt quốc gia khác cũng được mời tới Trung Quốc làm việc.
Với sự tham gia của họ vào năm 1965 trong quá trình làm chủ ngành sản xuất HQ-1, việc nghiên cứu phiên bản hoàn thiện hơn của nó dưới ký hiệu HQ-2 đã được bắt đầu. Tên lửa phòng không mới của Trung Quốc có tầm hoạt động tăng lên, và cũng có những tính năng cao hơn khi hoạt động trong những điều kiện sử dụng các phương tiện đối phó vô tuyến điện tử. Phiên bản đầu tiên của HQ-2 được đưa vào trang bị tháng 7.1967.
Nhìn chung, trong thập kỷ 1960, dựa trên cơ sở SA-75 của Liên Xô, Trung Quốc đã thực hiện 3 chương trình sáng chế và sản xuất tên lửa phòng không để chiến đấu với những mục tiêu tầm cao. Trong số những loại tên lửa đó cùng với HQ-1, HQ-2 đã nêu trên còn có cả HQ-3 được chế tạo riêng cho nhiệm vụ đối phó với các chuyến bay trinh sát trên bầu trời CHND Trung Hoa của máy bay trinh sát tầm cao siêu âm SR-71 của Mỹ. Nhưng chỉ có HQ-2 là tiếp tục được phát triển, và vào những thập niên 1970-80 đã nhiều lần được nâng cấp nhằm duy trì các tính năng của nó ở mức tương đương với sự phát triển của các phương tiện tiến công đường không.
Chẳng hạn như, việc tiến hành những hoạt động nhằm hiện đại hóa HQ-2 lần thứ nhất đã được bắt đầu vào năm 1973, và lấy căn cứ là kết quả phân tích các hoạt động chiến đấu ở Việt Nam. Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-2A được chế tạo sau đó có hàng loạt điểm mới về chất và được đưa vào trang bị năm 1978.
Các chuyên gia Liên Xô đã nhiều lần ghi nhận được những trường hợp bị mất một số mẫu trang bị kỹ thuật không quân và tên lửa khi vận chuyển bằng đường sắt sang Việt Nam quá cảnh lãnh thổ Trung Quốc. Như vậy, người Trung Quốc đã không từ thủ đoạn tầm thường nào để có được khả năng khả năng tiếp cận với những thành quả nghiên cứu hiện đại của Liên Xô.
Sự phát triển kế tiếp của HQ-2 là phiên bản di động HQ-2B, mà việc nghiên cứu, chế tạo nó được bắt đầu vào năm 1979. Việc sử dụng bệ phóng đặt trên satxi xe bánh xích và cả tên lửa biến thể, được trang bị kíp nổ vô tuyến, mà việc kích hoạt nó có thể được hiệu chỉnh tùy thuộc vào vị trí của tên lửa so với mục tiêu, được coi như những hợp phần của HQ-2B. Đồng thời cũng đã chế tạo được cho tên lửa bộ phận chiến đấu mới với số lượng lớn các phần tử sát thương và động cơ hành trình với lực kéo tăng lên. Phiên bản này của tổ hợp tên lửa phòng không được đưa vào trang bị năm 1986.
Phiên bản tổ hợp tên lửa phòng không HQ-2J trên thực tế được chế tạo đồng thời với HQ-2B chỉ khác ở việc sử dụng bệ cố định để phóng tên lửa.
Tốc độ sản xuất các phiên bản khác nhau của HQ-2 trong thập niên 1980 đạt gần 100 tên lửa/năm, điều này cho phép trang bị chúng cho gần 100 tiểu đoàn tên lửa phòng không là nền tảng của hệ thống phòng không Trung Quốc trong những năm đó. Ngoài ra, vài trăm tên lửa đã được cung cấp cho Anbania, Iran, CHDCND Triều Tiên và Pakistan.
Tổ hợp này cho tới bây giờ vẫn đang còn trong trang bị ở Trung Quốc và một loạt quốc gia khác.
Trên cơ sở tên lửa AIM-7 “Sparrow” loại không đối không của Mỹ bị chiếm tại Việt Nam, tổ hợp TLPK HQ-61 đã được chế tạo.
Việc sản xuất tổ hợp vừa nêu đã rất khó khăn vì vào thời gian đó nổ ra cuộc Cách mạng văn hóa những thập niên 1960/70. Về thực chất tổ hợp chiến đấu với các lực lượng trên không HQ-61 đã trở thành dự án chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật loại đó đầu tiên của Trung Quốc. Trong thời gian thiết kế và chế tạo hệ thống đã thể hiện rất rõ sự thiếu kinh nghiệm và tiềm lực khoa học.
Bản thân tổ hợp cũng không phải là thành quả mỹ mãn lắm, chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và sau đó bắt đầu được thay thế bằng HQ-7 (phiên bản Trung Quốc của Crotale Pháp). Nhưng sau khi nâng cấp hệ thống, phiên bản mới được cải tiến có tên gọi là HQ-61A. Tới bây giờ tổ hợp nói trên vẫn đang phục vụ trong thành phần biên chế của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Nhiệm vụ chính của tổ hợp là bảo vệ hệ thống phòng không bán kính hoạt động xa.
Việc chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không Hồng Kỳ-7 được bắt đầu vào năm 1979. Tổ hợp này là bản sao một phần tổ hợp tên lửa phòng không Crotale của Pháp, đã được nghiên cứu tại Học viện hàng không-vũ trụ số 2 của Trung Quốc (ngày nay là Học viện công nghệ quốc phòng Trung Quốc).
Việc thử nghiệm tổ hợp được tiến hành từ tháng 7.1986 đến tháng 6.1988. Hiện nay HQ-7 đang có trong trang bị của các đơn vị lục quân, không quân và hải quân PLA. Phiên bản tự hành trên satxi ô tô của tổ hợp được chế tạo dành cho các binh đội của PLA, dành cho không quân là phiên bản xe kéo, được sử dụng để phòng không các sân bay và những mục tiêu hạ tầng.
Phiên bản nâng cấp của tổ hợp HQ-7B (FM-90) được bố trí trên satxi ô tô bọc thép ASV có khả năng việt dã cao với công thức sắp xếp trục bánh 6x6 do Trung Quốc sản xuất.
Theo so sánh với nguyên mẫu, ở tổ hợp HQ-7B có sử dụng ra đa dẫn hướng dải tần kép mới thay thế cho Kiểu-345 đơn xung. Khối xử lý thông tin được thực hiện trên các sơ đồ tích hợp siêu lớn (do Viện 706 thiết kế). Việc chuyển sang việc xử lý thông tin kỹ thuật số hoàn toàn thay cho thông tin analog đã cho phép nâng cao đáng kể khả năng bảo vệ chống nhiễu của tổ hợp trong những điều kiện có nhiễu chủ động và thụ động.
Để bảo đảm bắn ban đêm thiết bị tầm nhiệt được tích hợp vào hệ thống quang-điện tử, còn tổ hợp được trang bị hệ thống thông tin VTĐ tương tự như tổ hợp Crotale của Pháp “seri 4.000”, để bảo đảm trao đổi thông tin giữa sở chỉ huy chiến đấu và các bệ phóng.
Liều phóng nhiên liệu rắn đã được hoàn thiện, đảm bảo cho việc tăng tầm bay một cách đáng kể, ngòi nổ và thiết bị điều khiển hệ thống đã hiện đại hóa, nhiên liệu rắn được sử dụng ở động cơ tên lửa.
Việc nghiên cứu, chế tạo một phiên bản tên lửa nữa-“nhân bản vô tính” dành cho tổ hợp tên lửa phòng không HQ-64 (tên gọi xuất khẩu là LY-60) lần này là trên cơ sở tên lửa “Aspeed” của Ý đã được bắt đầu vào cuối thập niên 80. Vào thời gian đó giữa Trung Quốc và Ý đang diễn ra những cuộc hội đàm về việc bắt đầu sản xuất loại tên lửa này tại Trung Quốc trên cơ sở giấy phép. Nhưng sau sự kiện Thiên An Môn Xuân-Hè 1989, người Ý đã từ chối hợp tác với Trung Quốc, nhưng có lẽ, những tư liệu đã nhận được trước đó tỏ ra cũng đủ để bắt đầu và tiến tới hoàn thiện công trình nghiên cứu này.
Trong những năm gần đây việc nâng cao các tính năng của phương tiện phòng không Trung Quốc liên quan đáng kể tới một thực tế là Trung Quốc sở hữu một lượng hạn chế tổ hợp tên lửa phòng không Nga S-300PMU và tổ hợp TLPK tự hành “Top”. Chẳng hạn, trong thập niên 1990 Trung Quốc đã mua 4 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU và 100 quả tên lửa phòng không kèm theo, và cũng mua vài chục tổ hợp tên lửa phòng không “Top”, chủ yếu để bổ sung cho những thiếu hụt trong việc tổ chức hệ thống phòng không của nước này.
Việc khai thác một cách thành công S-300 trong quân đội Trung Quốc và sự hài lòng của ban lãnh đạo nước này trước chất lượng chiến đấu và khai thác sử dụng của hệ thống này là động lực chính thôi thúc họ mua thêm của Nga phiên bản hiện đại hơn của nó là tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-1 trong các năm 2002-2003.
Nghiên cứu xong các Tổ hợp TLPK nhận được từ Nga, những hoạt động về việc xây dựng hệ thống sản xuất riêng đã được bắt đầu. Trên cơ sở những giải pháp kỹ thuật của tổ hợp TLPK Nga S-300, vào cuối thập niên 90 tổ hợp TLPK tầm xa HQ-9 (“Hồng Kỳ-9”, tên gọi xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc đã được chế tạo. Có khả năng tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và trực thăng đối phương ở mọi độ cao mà chúng được sử dụng trong chiến đấu, ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, HQ-9 là mẫu hoàn thiện nhất của các hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 của Trung Quốc và được đặc trưng bởi hiệu quả chiến đấu cao trong tình huống nhiễu phức hợp, kể cả khi đối phương sử dụng tập trung các phương tiện tiến công đường không khác nhau.
Hiện nay phiên bản nâng cấp của tổ hợp, có tên gọi HQ-9A đang trong quá trình sản xuất. HQ-9A có năng suất và hiệu quả chiến đấu được nâng cao, đặc biệt là về các khả năng chống tên lửa, có được nhờ việc hoàn thiện thiết bị điện tử và bảo đảm chương trình.
Công tác nghiên cứu tổ hợp TLPK có bán kính hoạt động tầm trung đã dẫn tới việc chế tạo được HQ-12.
Tổ hợp HQ-12 do Công ty công nghiệp hàng không Giang Nam, còn được biết tới với tên gọi cơ sở 061 chế tạo. Việc nghiên cứu nguyên mẫu của tổ hợp này được bắt đầu ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước, với vai trò thay thế cho tổ hợp TLPK HQ-2 đã lạc hậu (bản sao Trung Quốc của TLPK Xô Viết S-75). Phiên bản được chuyên chở của tổ hợp dưới tên gọi KS-1 bước vào giai đoạn thử nghiệm năm 1989 và lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris năm 1991. Công tác nghiên cứu chế tạo tổ hợp TLPK KS-1 kết thúc vào năm 1994.
Những thất bại trong việc thử nghiệm tổ hợp mới KS-1A đã làm chậm kế hoạch dự kiến đưa nó vào trang bị. Vào tháng 7-tháng 8.2007, khi Trung Quốc kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập PLA, tổ hợp TLPK mới trong đội hình gồm bệ phóng di động và đài ra đa H-2000 đã được trưng bày công khai tại Bảo tàng Chiến tranh Cách mạng Trung Quốc, dưới ký hiệu HQ-12, điều đó nói về khả năng nó đã được đưa vào trang bị của PLA. Một vài khẩu đội HQ-12 năm 2009 đã tham gia vào cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa.
Dường như tổ hợp TLPK mới tầm trung HQ-16 tỏ ra thành công hơn. Nó là một “sự kết hợp” những giải pháp kỹ thuật sao chép từ S-300P và “Buk-M2” của Nga. Khác với “Buk” ở tổ hợp TLPK của Trung Quốc sử dụng phương pháp xuất phát “thẳng đứng-nóng”.
HQ-16 được trang bị các tên lửa có trọng lượng 328 kg, tầm bắn đạt khoảng 40 km. Bệ phóng tự hành được trang bị 4-6 tên lửa trong container phóng-chuyên chở. Đài ra đa của tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách 150 km. Các bộ phận cấu thành của tổ hợp được bố trí trên xe ô tô 6 trục có khả năng việt dã cao.
Tổ hợp có thể tiêu diệt các máy bay của không quân tiền phương, chiến thuật, chiến lược, trực thăng chi viện hỏa lực, tên lửa hành trình và các khí tài bay điều khiển từ xa. Bảo đảm đánh trả một cách có hiệu quả các đợt oanh kích tập trung của những phương tiện tiến công đường không hiện đại trong những điều kiện chế áp điện tử cường độ cao. Nó có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các điều kiện thời tiết khác nhau. LY-80 là tổ hợp tên lửa đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời tới 6 mục tiêu với việc dẫn tới mỗi mục tiêu trong số đó đến 4 tên lửa từ một bệ phóng.
Rõ ràng Trung Quốc dành một sự quan tâm to lớn cho việc chế tạo và hoàn thiện các tổ hợp TLPK hiện đại. Trong khi đó, theo ý kiến của phần lớn các chuyên gia, những khả năng của các phương tiện phòng không Trung Quốc trong cuộc chiến đấu với phần lớn các loại mục tiêu trên không hiện nay, kể cả tên lửa hành trình, cũng như trước đây vẫn còn rất hạn chế. Theo các tư liệu của những báo cáo chuyên ngành về tiềm lực quân sự của Trung Quốc hàng năm được Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo, Trung Quốc hiện nay vẫn chưa có một hệ thống phòng không quốc gia thống nhất, và những phương tiện phòng không bố trí trên bộ chỉ đủ sức bảo đảm việc giải quyết những nhiệm vụ phòng không mục tiêu. Đồng thời nước này chỉ có hệ thống phòng không chiến thuật thống nhất đơn giản. Một hệ thống phòng không hiệu quả chỉ tới năm 2020 có lẽ mới có thể được triển khai tại Trung Quốc.
Đỗ Ngọc Inh
Theo “Bình luận quân sự” Nga