Hai mẹ con Guatemala cầu xin cảnh vệ Mexico cho phép vượt biên vào Mỹ
Ngày 25/7, cả hai hãng tin lớn là CBS và Reuters đều đăng tải một bức ảnh chấn động kèm headline (đầu đề bài báo) với nội dung vắn tắt một phụ nữ trẻ Guatemala cùng đứa con trai cầu xin cảnh vệ biên giới Mexico cho phép mẹ con cô vượt biên vào Mỹ:
Hôm sau, hãng tin CBS làm một phóng sự ảnh với headline gần như y chang headline của Reuters và cũng kèm bức ảnh được chụp ngày 22/7 bởi nhiếp ảnh gia Jose Luis Gonzalez của Reuters: “Bức ảnh xúc động tả cảnh người mẹ nhập cư cầu xin bảo vệ biên giới khi cô tìm cách vào Mỹ cùng con trai”.
Theo phóng viên ảnh Gonzales, Ledy Perez và con trai cô đến biên giới Mexico-Mỹ và gặp một cảnh vệ quốc gia Mexico ở Ciudad Juarez. “Người phụ nữ đã van xin và nài nỉ cảnh vệ quốc gia để họ đi”, Gonzales viết trên báo. Cảnh vệ nói anh ta chỉ làm theo mệnh lệnh nên không thể để mẹ con cô đi được, vẫn theo phóng viên ảnh.
Người phụ nữ nhập cư Guatemala Ledy Perez ôm con trai Anthony bên cạnh hai cảnh vệ biên giới Mexico (Ảnh: Reuters/Jose Luis Gonzales)
Tuy nhiên, xem kỹ một loạt ảnh do chính Gonzales chụp thì thấy, bên cạnh việc Perez khóc lóc nức nở thì không thấy có bất cứ hành vi ngăn cản nào từ phía cảnh vệ.
Khảo sát kỹ chín bức ảnh tiếp theo cùng nội dung cụ thể trong phóng sự ảnh của chính Reuters thì thấy nội dung toàn bài không như nội dung nhạy cảm giật tít trên headline.
Thứ nhất, về nội dung, chính bài của Reuters đăng giải thích của Jesus Ramirez, phát ngôn nhân của tổng thống Mexico, đại loại binh lính không ngăn cản mà chỉ nêu ra hai phương án, hoặc đến đăng ký để được cứu xét nhập cư hợp pháp hoặc tự ý vượt biên với đầy bất trắc, rồi để người phụ nữ quyết định lựa chọn.
Cảnh vệ biên giới Mexico giải thích với Ledy Perez đang nắm tay con trai (Ảnh: Reuters/Jose Luis Gonzales)
Thứ hai, chính một bức ảnh cuối cùng trong phóng sự của Reuters cho thấy hai mẹ con Guatemala một mình dắt tay nhau hướng về hàng rào biên giới Mexico-Mỹ mà không có bất cứ binh lính nào ngăn cản.
Từ những nội dung trên, The Daily Caller (trang mạng thành lập năm 2010 và đến 2013 đã có số view trong một tháng đạt 30 triệu vượt qua cả các trang mạng danh tiếng như The Washinton Times, Politico, và Forbes) nhận định cả CBS và Reuters “đều đưa headline không phản ánh đúng toàn bộ câu chuyện”.
Hai mẹ con Perez vẫn vượt sông Rio Bravo để đến hàng rào biên giới Mexico-Mỹ mà không bị ai ngăn cản (Ảnh: Reuters/Jose Luis Gonzales)
Ảnh bìa tạp chí Time – bé gái khóc nhìn chằm chằm tổng thống Trump
Bức ảnh gây chấn động trên trang bìa của tạp chí Time và của New Yorker hồi tháng 6 tả một bé gái Huduras bị tách khỏi mẹ đang khóc lóc và nhìn chằm chằm vào tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nguồn cơn bức ảnh đến từ phóng viên John Moore của Getty chụp cảnh bé gái khóc và nhìn mẹ. Time sau đó đưa ảnh lên trang bìa với headline tràn trang “Chào mừng đến Mỹ” (Wellcome to America).
Bức ảnh được chỉnh sửa bằng photoshop cho thấy một bên Donald Trump lừng lững với vẻ mặt nhẫn tâm và vô cảm nhìn chằm chằm vào bé gái Yanela hai tuổi đang khóc thảm thiết trong vô vọng.
Sự thật sau đó nhanh chóng được bóc trần. Toàn bộ câu chuyện chỉ là một cảnh vệ đến vỗ vào vai bảo người mẹ trẻ Sandra Sanchez cùng con gái ngồi xuống. Bé gái lập tức khóc thét khi Sanchez đặt con xuống đất.
Cảnh binh Carlos Ruiz đang xử lý tình huống ấy hỏi Sanchez: “Cô ổn chứ? Đứa bé chắc cũng không sao chứ?”. Người mẹ trả lời: “Vâng. Con bé đang mệt và khát”. Lúc đó là 11h00 đêm, cảnh binh Ruiz kể lại toàn bộ câu chuyện trên truyền hình CBS News phát dưới dạng live news stream.
Bìa tạp chí Time ghép ảnh bé gái với nội dung không đúng sự thật
Phóng viên gạo cội Eli Rosenberg đã làm một bài phân tích đổ thêm dầu vào lửa và đưa lên mạng của The Washongton Post vào đêm 20/6 với nhan đề: “Các bài trang bìa đầy quyền lực của Time và New Yorker tuyên bố về sự chia rẽ gia đình”.
Bài báo nhắc lại chi tiết hai mẹ con bị cảnh vệ biên giới của Mỹ tách ra khiến đứa con gái khóc gào. Nhưng tạp chí Time sau đó phải làm tin người cha của bé gái xác nhận hai mẹ con không bị chia tách.
Washington Post lẳng lặng điều chỉnh nội dung sai trong bài báo của Rosenberg sau khi phát trên mạng 12 tiếng. Headline cũ được sửa lại thành: “Các bài trang bìa đầy quyền lực của Time và New Yorker tuyên bố về khủng hoảng biên giới”.
Vấn đề ở chỗ họ không đăng đính chính hay “nói lại cho rõ”. Phóng viên Daily Caller liên lạc với tác giả bài báo và toà soạn Washington Post hỏi vì sao không thông tin cho độc giả rằng có những sửa đổi ấy theo đúng luật báo chí Mỹ cũng như quy định của chính tờ báo.
Toà soạn WaPo từ chối trả lời câu hỏi vì sao không đăng kèm bài báo gốc có nội dung sai sự thật và nội dung được cập nhật đầu tiên
Từ sức ép ấy của báo đối thủ, phải 16 tiếng sau, Washington Post mới đăng thông tin theo kiểu “nói lại cho rõ” như sau:
“Nói lại cho rõ: Bản gốc bài báo này nói đứa trẻ được mô tả trên trang bìa của Time đã bị tách khỏi mẹ dựa trên bằng chứng của bản thân tạp chí. Như The Washington Post và các báo khác được thông tin, đứa bé không bị tách khỏi mẹ trong quá trình làm việc với nhân viên Tuần tra Biên giới. Bài báo (vì thế) đã được cập nhật”.
Tuy nhiên toà soạn từ chối trả lời câu hỏi vì sao không đăng kèm bài báo gốc có nội dung sai sự thật và nội dung được cập nhật đầu tiên.
“Các đính chính và nói lại cho rõ cần rõ ràng, chính xác, và trực tiếp”, bản hướng dẫn xuất bản của Washington Post có đoạn. “Chúng phải đảm bảo có thể hiểu được đối với bất cứ ai đọc chúng, bao gồm cả các độc giả có thể không đọc bài báo được đính chính. Bất cứ ai đọc đính chính phải đảm bảo hiểu được lý do và làm thế nào sai sót đã được chỉnh sửa”.