Bảo lãnh giao dịch, có khả thi?

TP - Hàng vạn căn hộ có lẽ chỉ nằm trên giấy khi lãnh đạo nhiều công ty bất động sản bị khởi tố, bắt giam do huy động vốn và mua bán nhà đất trái quy định. Hậu quả nặng nề nhất là hàng ngàn tỷ đồng của người mua nhà chưa biết ngày nào mới thu hồi được...

> Sắp bán đại trà căn hộ giá từ 310 triệu đồng
> Muốn 'bán nhà trên giấy', phải có giấy phép xây dựng

Hàng ngàn tỷ đồng bốc hơi!

Hàng ngàn người mua nhà tại dự án Hesco Văn Quán, 409 Lĩnh Nam, B5 Cầu Diễn... giờ đây chỉ còn biết kêu trời bởi tính từ thời điểm nộp tiền mua căn hộ qua hình thức hợp đồng vay vốn đến nay đã 3-4 năm mà nhà vẫn chỉ nằm trên giấy.

Tại khu đất 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mà Công ty CP Megastar chào bán căn hộ thông qua sàn Hạ Long vào tháng 8/2009 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang được quây tôn tạm bợ. Hố đào móng ngày nào nay đã biến thành ao bèo hoang vắng.

Ngay đầu lối vào khu đô thị Văn Quán (Hà Đông), tấm biển giới thiệu dự án Hesco đã đổ sập từ lâu, bên trong cỏ hoang mọc đến ngang người. Ngay cả với những dự án đã ký hợp đồng mua bán căn hộ điển hình như UCity (quận Hà Đông), khách hàng đã nộp từ 50-70% giá trị hợp đồng thì tình trạng “căn hộ trên giấy” vẫn xảy ra.

Một số chủ đầu tư còn nghĩ ra “quái chiêu” khi đóng dấu niêm phong bên ngoài phong bì chứa hợp đồng quy định một vài năm mới được mở ra nhằm tránh lộ bí mật mà bản chất là để lừa khách hàng!

Khu đất xây dựng dự án căn hộ tại 409 Lĩnh Nam nay biến thành ao bèo .

Chỉ tính riêng 4 dự án nêu trên, số lượng tiền mà các chủ đầu tư huy động đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo anh Trần Tuấn Việt, một người mua nhà tại dự án AZ Vân Canh, không chỉ phải trả tiền từ 11-12 triệu đồng/m2 mà còn phải chi hàng trăm triệu tiền “chênh” khi mua mỗi căn hộ. Một khách hàng mua nhà tại 409 Lĩnh Nam cho hay, những hệ lụy từ các giao dịch mua bán nhà đất này là rất lớn về cả kinh tế và xã hội.

Không chỉ tiền “chênh”, chỉ riêng tiền trượt giá, tiền lãi suất phải trả cho ngân hàng phát sinh từ khoản vay mua nhà cũng đã gần bằng số tiền gốc nộp cho chủ đầu tư sau 4 năm. Ngoài ra, một hậu quả khác nữa đó là niềm tin vào thị trường bị suy giảm nghiêm trọng.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay chưa có con số thống kê đầy đủ liên quan đến các dự án huy động vốn trái quy định. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường khó khăn kéo dài, mất niềm tin một phần do những dự án “ma” này gây ra.

Bắt buộc bảo lãnh giao dịch

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đặc biệt quan tâm đến kiểm soát các giao dịch nhà ở. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu mô hình bảo lãnh giao dịch nhà ở.

“Quy định liên quan đến huy động vốn cho đầu tư phát triển nhà ở trong Luật Nhà ở chưa cụ thể và sơ sài nên vừa qua việc huy động vốn của chủ đầu tư không thống nhất, nhiều chủ đầu tư lợi dụng sơ hở, khoảng trống của Luật Nhà ở để huy động, chiếm dụng vốn trái phép, thậm chí lừa đảo...”- đánh giá về Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu mô hình của Hàn Quốc là những giao dịch bán nhà hình thành trong tương lai thì bắt buộc phải có bảo lãnh, không có bảo lãnh thì không được bán. Công ty bảo lãnh là doanh nghiệp của nhà nước.

Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi Bộ Xây dựng đang lấy kiến góp ý quy định, bảo lãnh giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai là việc bên thứ 3 (bên bảo lãnh) cam kết với người mua nhà ở hình thành trong tương lai sẽ thực hiện thay nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với người mua nhà ở nếu đến thời hạn mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng mua bán nhà ở đã ký giữa các bên.

Điều 31 của dự thảo nêu rõ, trường hợp bán nhà hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư chỉ được phép ký hợp đồng mua bán nhà ở khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã có dự án, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải có Giấy phép xây dựng (nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng); Nhà ở đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh nơi có nhà ở về việc nhà ở đó đã đủ điều kiện được bán; Đã đóng phí bảo lãnh nhà ở cho đơn vị được giao thực hiện bảo lãnh theo quy định của Chính phủ. Nhận xét về quy định mới trong dự thảo, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng việc quy định như vậy là rất cần thiết, tuy nhiên phải đi kèm với chế tài đủ mạnh thì mới khả thi. “Dự thảo chỉ nêu là phải bảo lãnh giao dịch nhưng lại không nêu nếu không thực hiện thì xử lý ra sao”- đại diện Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị.

Theo Báo giấy