Ông Ngân nói:
- Trong các loại ngoại tệ, giá USD do Nhà nước kiểm soát với mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, vì thế thường thấp hơn thị trường chợ đen. Trong khi đó, dù pháp luật có quy định người dân phải bán ngoại tệ cho NH nhưng trên thực tế người dân chỉ bán cho NH khi cảm thấy mức giá do NH đưa ra là hợp lý, thường phải cao hơn thị trường chợ đen.
Do người bán không chấp nhận giá do NH niêm yết nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có USD thì găm giữ (họ không thể rút USD bán ngoài thị trường chợ đen nên phải găm giữ, chờ giá lên bán kiếm lời), còn người dân có USD thì chủ yếu bán tại thị trường chợ đen.
Thực tế có năm kiều hối gửi về nước đến 8 tỉ USD nhưng NH không mua được, đa số người nhận kiều hối chuyển sang gửi tiết kiệm, rút về cất giữ hoặc bán tại thị trường chợ đen với giá cao.
Cả hai tình huống nêu trên đều đẩy NH vào chỗ không có USD để bán. Ngay nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu NH cũng phải chật vật mới đáp ứng được, vì thế đành phải khất nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng của người dân.
Như vậy, để người dân có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ mua được từ NH phải giải quyết cho được nút thắt về giá. Chúng ta phải tìm ra mức giá mà người bán và người mua chấp nhận được. Còn theo cơ chế giá niêm yết như hiện nay thì người dân không mua được USD từ NH, vì thế họ cũng khó thông khi bị buộc phải bán ngoại tệ cho NH.
Trước đây NH Nhà nước đã cho NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) được thí điểm thỏa thuận giá mua ngoại tệ của người dân để bán lại cho người có nhu cầu chính đáng, phải chăng đó là hướng giải quyết?
- Cách thỏa thuận tỉ giá cũng là một hướng để xử lý nút thắt về giá. Cũng nên học kinh nghiệm từ một số nước xung quanh khi NH bán ngoại tệ cho người có nhu cầu với giá cao hơn so với mức giá mà NH đang giao dịch. Lý do là NH không “in” ra USD mà phải nhập từ nước ngoài tốn phí, vì thế người mua phải chịu giá cao.
Vận dụng kinh nghiệm này, NH Nhà nước có thể cho phép các NH mua USD của người nhận kiều hối cao hơn giá niêm yết. Ví dụ nếu được phép mua cao hơn 2% so với giá niêm yết, NH có thể trả thêm cho người nhận kiều hối bán luôn cho NH thêm 400 đồng/USD, như thế sẽ thu hẹp khoảng cách đáng kể với giá tại thị trường tự do.
Nếu chúng ta có chính sách đúng, chỉ cần hút được một vài tỉ USD từ kiều hối cũng sẽ giúp NH đáp ứng được nhu cầu mua ngoại tệ của người dân.
Theo tôi, một khi nút thắt về giá được tháo gỡ, giữa việc bán USD cho tiệm vàng vừa không hợp pháp lại chịu nhiều rủi ro, người dân sẽ bán USD cho NH, từ đó vấn đề NH bán USD cho người có nhu cầu hợp pháp cũng được giải quyết.
Nhiều NH cho biết họ không bán USD cho người có nhu cầu chính đáng do người đi nước ngoài luôn muốn mua USD, trong khi nơi họ sử dụng tiền không phải là Mỹ. Phải xử lý vấn đề này ra sao?
- Xung quanh việc bán ngoại tệ cho người có nhu cầu hợp pháp có hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, người mua luôn muốn mua USD, dù nơi họ đến là châu Âu có thể dùng EUR, Úc có thể dùng đôla Úc, thậm chí đi các nước Đông Nam Á thay vì mua đồng baht, đôla Singapore, đôla Hong Kong... thì họ vẫn đòi mua USD.
Thứ hai, người mua luôn đòi mua đến 7.000 USD, mức mà Nhà nước cho phép khi đi nước ngoài được mang theo mà không phải khai báo, số này là quá lớn nên NH thường lấy cớ đó mà từ chối.
Đúng ra NH nên tư vấn, giải thích cho người dân hiểu rằng nếu không đi Mỹ hoặc những nước chỉ dùng USD thì có thể mua các ngoại tệ khác phù hợp với đơn vị tiền tệ của nước mà mình sẽ đến.
Theo T.TU.
Tuổi trẻ