'Bán lúa non' gần chục ha đất

TP - Được cấp phép từ tháng 7-2008, nay Khu công nghiệp vừa và nhỏ huyện Đông Anh triển khai ì ạch. Nhưng cắt đất cho nhiều doanh nghiệp thuê, lập nhà máy sản xuất, gây ô nhiễm... thì khá nhanh.
7 nhà máy được xây dựng trong khi khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải Ảnh: Minh Tuấn

> Xây dựng đô thị kiểu 'mỡ nó rán nó'

Nằm trên địa bàn 2 xã Tiên Dương, Nguyên Khê và thị trấn Đông Anh, sau gần 4 năm mà hình dáng một khu công nghiệp vẫn chưa hình thành. Hạ tầng chưa có, đường đất nham nhở, nhiều diện tích đất bỏ hoang.

Nhiều hộ dân thuộc tổ 61 thị trấn Đông Anh sống trong tình trạng thấp thỏm từ khi có thông tin nhà bị thu hồi để lấy đất làm khu công nghiệp lớn nhất huyện.

Rơi vào quy hoạch, việc xin cấp sổ đỏ cho nhà đất bị từ chối, cũng không mua bán chuyển nhượng được.

Mặc dù chưa có hạ tầng, nhưng nhiều nhà máy đã mọc lên trên những khu đất tiện đường giao thông, vị trí đẹp.

Ông Nguyễn Thế Huy – Phó Tổng giám đốc Cty CP Đông Thành – chủ đầu tư của khu công nghiệp cho biết: Tổng diện tích đất được cấp lên tới hơn 77 ha, gần tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.

Tuy nhiên do năng lực tài chính của doanh nghiệp có hạn nên không đủ sức đầu tư hạ tầng cho toàn bộ khu công nghiệp. Trong khi đó, tại đây còn tới 86 hộ dân nằm lọt trong đất của khu công nghiệp vẫn chưa di dời được.

Năng lực tài chính yếu dẫn đến chủ đầu tư đã phải cắt đất ra cho 7 doanh nghiệp thuê với mục tiêu “lấy mỡ nó rán nó”.

Các doanh nghiệp được thuê đất 49 năm tại đây gồm: Công ty CP Miza, Trung tâm Đào tạo sát hạch cấp phép lái xe, Cty Nhựa Bình Minh, Nhà máy sản xuất vỏ bình gas, Cty chiết nạp gas, Cty Cơ khí Minh Thành...với tổng diện tích khoảng 9 ha.

Sau khi thuê đất, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy quy mô lớn và đưa vào hoạt động. Do chưa có hệ thống xử lý chất thải của khu công nghiệp nên nhiều nhà máy thải nước ra sông Cà Lồ...

“Đúng ra phải có hạ tầng đồng bộ mới được đưa doanh nghiệp vào thuê đất, xây nhà máy. Tuy nhiên do công ty quá khó khăn về tài chính nên đành đưa doanh nghiệp vào thuê trước để giảm bớt chi phí đầu tư”- ông Nguyễn Thế Huy cho hay.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thái Long – Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, thành phố đã phân cấp quản lý các khu công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp về sở Công Thương.

Tuy nhiên, về nguyên tắc phát triển khu công nghiệp là phải xây dựng hoàn tất đầy đủ hạ tầng như đường giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin... thì mới đủ điều kiện cho thuê đất, vận hành các nhà máy tại đây.

Tình trạng chưa xong hạ tầng đã cho thuê đất gây ô nhiễm là điều cần được cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra, xử lý...

Theo Báo giấy