Bản đồ La Mã cổ đại được tiết lộ

TPO - Hôm 26/11, bản đồ Peutingeriana- một trong những bảo vật của Thư viện Quốc gia Áo, lần đầu tiên đã được trưng bày tại Vienna. Tấm bản đồ bằng da có từ thời Trung Cổ này là hình ảnh duy nhất còn sót lại về thời hậu kỳ Đế chế La Mã.

Thông thường, bản đồ này không được trưng bày công khai vì rất mỏng mảnh và dễ bị tác động xấu bởi ánh sáng ban ngày. Nhưng người ta đã trưng bày nó trong một ngày để đánh dấu sự kiện nó được đưa vào Ghi nhớ của Unesco về World Register (bảo tàng và lưu giữ thông tin).

Với chiều dài khoảng bảy mét, bản đồ đã thể hiện mạng lưới những con đường chính từ Tây Ban Nha dẫn tới Ấn Độ.

Thoạt nhìn, bản đồ này không giống với bản đồ hiện nay.

Cả phần đất liền và phần biển đều trải rộng hơn và phẳng hơn. Biển Địa Trung Hải chỉ nhỏ như một dòng sông chứ không phải một biển lớn.

Tấm bản đồ rộng 34 cm không theo chiều từ Bắc tới Nam mà theo chiều từ Tây sang Đông.

Ông Andreas Fingernagel- Người quản lý bộ phận thư tịch, bút tích và những sưu tập nội bộ của Thư viện Quốc gia Áo cho rằng nó rất giống với sơ đồ hệ thống tàu điện ngầm London.

Ở trung tâm của bản đồ Peutigeriana là thành Rome. Thành Rome (được biểu diễn bởi hình vương miện đặt trên ngai vàng) có vô số con đường dẫn đến và tỏa ra từ nó. Một số con đường, như Via Appia và Via Aurelia, vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay.

Bản đồ Peutingeriana có niên đại khoảng cuối thế kỷ 12 tới đầu thế kỷ 13, và được làm tại miền Nam nước Đức hoặc ở nước Áo.

Nhưng ông Fingernagel cho rằng nó rất khác với những tấm bản đồ Trung Cổ khác, và nó rõ ràng là một bản sao chép của một tài liệu từ rất lâu trước đó, từ thế kỷ 5.

“Trong những bản đồ thế kỷ 12 hoặc 13, Jerusalem, chứ không phải Rome, mới nằm ở trung tâm của Đế chế La Mã”.

“Mối quan tâm của những người làm bản đồ thời Trung Cổ khá lạ. Họ chỉ vẽ những con đường dẫn tới các địa phận thuộc Giáo hội mà thôi”.

Và trên bản đồ có những chi tiết khác cho thấy khả năng nó bắt nguồn từ thế kỷ 5, bởi trong đó có cả thành phố Aquileia bị tiêu hủy từ năm 452.

Bản đồ này được đặt tên theo một chủ nhân của nó, nhà Nhân văn Đức thời Phục hưng – Konrad Peutinger. Sau đó nó được đưa vào Thư viện Hoàng gia ở Vienna, nay là Thư viện Quốc gia Áo.

“Đúng là độc nhất vô nhị - Ông Fingernagel nói – Đó là tấm bản đồ duy nhất về thế giới cổ đại, dù chỉ là sao chép. Nó giúp chúng ta hình dung về ngày xưa”.

Thanh Lê
Theo BBC