>> Đề nghị đưa cá tra khỏi danh mục đỏ
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản cho hay, tối 8-12, đại diện WWF tại Việt Nam đã cấp các dữ liệu về bộ tiêu chí và bản đánh giá về cá tra theo yêu cầu trước đó của phía Việt Nam.
Bộ tiêu chí được WWF công bố vào tháng 6-2010, gồm hai bản đánh giá trong hệ thống nuôi ao và nuôi ven sông. Bản đánh giá xoay quanh 4 nhóm tiêu chí là hệ thống sản xuất, thức ăn, ảnh hưởng hệ sinh thái và quản lý; được chia ra 19 câu hỏi.
Theo ông Tuấn, các đánh giá của WWF dựa trên hai tài liệu, là bài báo đăng trên tạp chí của Hội Nuôi trồng Thủy sản Thế giới năm 2009 và bản đánh giá tác động môi trường hệ thống nuôi, cũng công bố năm 2009 do một trường đại học của Hà Lan thực hiện.
“Hệ thống số liệu để trả lời những câu hỏi chỉ dựa trên hai tài liệu được công bố năm 2009, tức là đã được thực hiện trước năm 2009 quá cũ, lạc hậu, không thể sử dụng đánh giá cho năm 2010” - Ông Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, 7/19 câu hỏi trong bản đánh giá không có nguồn thông tin, để trống. Mặt khác, trong bản đánh giá có sự mâu thuẫn giữa lý luận với việc xếp hạng các câu hỏi như giữa câu hỏi 13 với 18, 19.
Hay, như câu hỏi số 4, WWF cho rằng cá tra khi thoát ra môi trường tự nhiên có thể gây hại cho loài bản địa. Sự thật là cá tra nuôi Việt Nam là loài bản địa, không phải ngoại lai, nên ngoài tự nhiên đã có sẵn…“Những đánh giá đó thiếu thận trọng và rất nghèo nàn về cơ sở khoa học” - Ông Tuấn nói.
Trong một thông cáo mới đây, WWF Việt Nam đồng ý với kiến nghị của Tổng cục Thủy sản, trong lúc chờ đợi kết quả đánh giá lại thì nên đưa con cá tra, cá ba sa nuôi tại Việt Nam ra khỏi danh mục đỏ. Việc đánh giá trong tương lai cần được thực hiện với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan.
Theo WWF Việt Nam, dự kiến thứ ba tuần tới (ngày 14-12) ông Mark Powell, người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF sẽ đến Việt Nam và trả lời các câu hỏi về kỹ thuật liên quan đến phương pháp, qui trình đánh giá.
Bộ Ngoại giao VN yêu cầu WWF đưa cá tra khỏi danh sách đỏ
Khẳng định các thành viên của WWF tại một số nước châu Âu đã đưa ra những đánh giá “thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế về sản phẩm cá tra của Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga ngày 9-12 tuyên bố: Yêu cầu WWF đưa loài cá này ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010-2011.
Việc đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ “sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới những người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Việt Nam cũng như người tiêu dùng ở các nước châu Âu, không có lợi cho mối quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước châu Âu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.