"Không phải thảm họa"
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Defense News cho biết, trong tổng số 9 tàu của hải quân New Zealand, có đến 3 tàu đang ở "thời kỳ nhàn rỗi", gồm tàu tuần tra xa bờ HMNZS Otago, tàu tuần tra ven bờ HMNZS Hawea và gần đây nhất là tàu tuần tra xa bờ HMNZS Wellington.
"Chúng tôi đã mất đi sự linh hoạt quan trọng và mất khả năng thực hiện đồng thời nhiều hoạt động", Chuẩn đô đốc David Proctor của hải quân New Zealand thừa nhận.
Theo Tiến sĩ Paul Buchanan, Giám đốc hãng tư vấn 36th Parallel Assessments tại Auckland (New Zealand), thiếu hụt thủy thủ là vấn đề kinh niên của hải quân New Zealand. Thực tế 1/3 tàu phải nằm bờ nói trên xuất phát từ quyết định mua sắm thêm tàu cho lực lượng hải quân trong những năm qua cho dù Chính phủ New Zealand hoàn toàn ý thức được tình trạng thiếu hụt thủy thủ.
"Họ có thể nhận thấy các vấn đề về tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực. Nhưng họ cũng cảm thấy cần phải bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình và của các nước láng giềng, vì thế nên họ đã tiếp tục mua sắm", Tiến sĩ Buchanan nhấn mạnh.
Trong khi đó, Giáo sư (GS) Robert Patman tại Đại học Otago (New Zealand) đánh giá việc các tàu của hải quân New Zealand bước vào "thời kỳ nhàn rỗi" là một diễn biến đáng quan ngại. Nhấn mạnh New Zealand có một trong những EEZ lớn nhất thế giới, có khá nhiều nguồn tài nguyên biển cần bảo vệ, GS Patman cho rằng hiện không phải là lúc để New Zealand "cho thấy năng lực an ninh biển của mình đang suy yếu".
"Ngoài vùng biển của mình, New Zealand còn có bổn phận với các đảo quốc láng giềng ở Thái Bình Dương-vốn chiếm 60% viện trợ phát triển nước ngoài của chúng tôi, được các đời chính phủ của chúng tôi xác định là một ưu tiên chính về chính sách đối ngoại và an ninh. Chúng tôi đang chi 1,5% GDP cho quốc phòng. Nếu chi nhiều hơn thì có thể giúp hải quân có năng lực hoạt động tốt hơn hiện tại", GS Patman nhận định với Defense News.
Về phần mình, Chuẩn đô đốc Proctor xem việc 1/3 tàu của hải quân New Zealand phải nằm bờ "không phải thảm họa". Ông cho biết một số thủy thủ của những con tàu nhàn rỗi được tăng cường sang các tàu khác, trong khi một số khác nghỉ phép, tham gia các khóa huấn luyện, hoặc được cử sang tàu hải quân của những nước đối tác trong các chương trình trao đổi.
Tư lệnh lực lượng quốc phòng New Zealand Kevin Short thậm chí còn cho rằng việc đưa một con tàu vào "chế độ chăm sóc và giám sát" sẽ tạo điều kiện để củng cố nguồn nhân lực cũng như "quản lý tốt hơn" các tác động của tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Giải pháp ngắn hạn
Theo Defense News, đến cuối tháng 11/2022, quân số của hải quân New Zealand là 2.117 người. Trong khi hải quân New Zealand hiện có ngân sách đủ chi trả cho 2.230 người, Chuẩn đô đốc Proctor cho biết mục tiêu quân số lý tưởng của lực lượng này là khoảng 2.340 người.
Ông thừa nhận hải quân New Zealand "thường chật vật" với các mục tiêu tuyển dụng mà một phần nguyên nhân là do thị trường lao động cạnh tranh cao. “Các thủy thủ đang bị thu hút bởi những mức thu nhập khác đáng kể so với những gì chúng tôi trả cho họ. Họ đều là những thủy thủ có năng lực, tính kỷ luật cao và họ mong muốn điều tốt nhất cho gia đình mình. Nếu thị trường lao động bên ngoài có thể giúp thu nhập của họ tăng lên, họ sẽ nắm bắt cơ hội cho dù họ cũng mong muốn được phục vụ đất nước", Chuẩn đô đốc Proctor nêu rõ.
Nhà tư vấn quốc phòng độc lập Gordon Crane lại cho rằng lương bổng không nhất thiết là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay trong hải quân New Zealand. Ông Crane cho biết, nhiều nhân lực của hải quân New Zealand vốn từng được điều động tham gia quản lý các cơ sở cách ly trong giai đoạn đại dịch COVID-19 sau này đã quyết định thôi việc. "Họ gia nhập hải quân để được hoạt động trên biển. Thế nhưng, thời điểm dịch bệnh, họ lại không được làm việc trên tàu. Ở một số nơi, các thủy thủ có tinh thần rất cao nhưng ở những nơi khác lại khó có được điều đó", Chuẩn đô đốc Proctor cũng thừa nhận.
Theo Chuẩn đô đốc Proctor, để giữ chân nguồn nhân lực hiện có, hải quân New Zealand đang triển khai một số giải pháp, trong đó chú trọng vào chế độ phúc lợi như tăng số ngày nghỉ phép đối với các thủy thủ có thời gian triển khai trên biển hơn 210 ngày/năm hay tăng lương đối với người lao động trong một số lĩnh vực then chốt. "Đó đều là những giải pháp ngắn hạn để chúng tôi có thêm thời gian tìm cách giải quyết các vấn đề cốt lõi đằng sau tình trạng thiếu hụt nhân lực", Chuẩn đô đốc Proctor nhấn mạnh.