Bài học đau đớn khi vay tiền mua nhà ở Trung Quốc

TPO - Vì không đủ tiền trả nợ, nhiều gia đình Trung Quốc gặp cảnh "trắng tay" khi bị tịch thu nhà ở, mất việc làm. 

Bị truy lùng bởi những người đòi nợ do chưa thể thanh khoản khi đáo hạn, chị Lei Xiaoyu (38 tuổi) - cựu nhân viên tài chính tại một tỉnh phía Nam của Trung Quốc - chia sẻ rằng bản thân luôn run cầm cập mỗi khi có số điện thoại lạ gọi tới.

"Đây là ngôi nhà duy nhất của tôi và tôi không muốn nó bị tịch thu. Nhưng tôi có thể làm gì đây?", Lei Xiaoyu cho biết. Người phụ nữ này đã mất việc vào cuối năm 2022 và không thể trả khoản nợ thế chấp để mua ngôi nhà trị giá 1,3 triệu nhân dân tệ (181.139 USD). Cô cảm thấy lãng phí thời gian, sức khoẻ làm việc cật lực chỉ để trả nợ trong 7 năm qua.

Lei Xiaoyu kiếm được khoảng 40.000 nhân dân tệ vào năm ngoái nhờ bán hàng qua phát trực tiếp nhưng vẫn không đủ tiền trả nợ ngân hàng hàng tháng và chi phí sinh hoạt. Đặc biệt, việc không thể hỗ trợ người mẹ sống bằng khoản lương hưu 3.000 nhân dân tệ/tháng khiến cô đau đớn nhất.

Lượng người vỡ nợvay tiền mua nhà đang tăng mạnh ở Trung Quốc.

Số lượng người Trung Quốc có hoàn cảnh giống Lei Xiaoyu tuy ít nhưng đang tăng nhanh. Nguyên nhân đến từ vấn đề khủng hoảng lĩnh vực bất động sản, nợ công gia tăng và lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích cho biết số lượng khoản nợ thế chấp tài sản đã quá hạn gia tăng có thể tác động tiêu cực đến cả giá bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng. Điều này làm phức tạp thêm những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa nền kinh tế của nước này có một nền tảng vững chắc hơn.

Theo công ty nghiên cứu bất động sản độc lập China Index Academy, số lượng nhà bị tịch thu ở Trung Quốc đã tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023 lên 389.000 căn. Công ty cho biết hơn 50.000 căn hộ khác đã bị tịch thu trong tháng 1 vừa qua, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nie Wen - chuyên gia kinh tế của công ty Hwabao Trust - cho biết: “Điều này tác động tiêu cực đến tiêu dùng và cũng là lời cảnh tỉnh tránh đầu tư quá mức vào bất động sản".

Dữ liệu từ China Index Academy cho thấy tổng cộng 99.000 căn nhà bị tịch thu đã được phát mại năm ngoái, thu về 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,8 tỷ USD). Theo tính toán, trung bình một căn hộ thanh lý có giá 210.000 USD.

Duan Chenglong - Giám đốc công ty chuyên tịch thu nhà Beijing Xiangpaipai Information Service - chia sẻ rằng các cuộc phát mại là kết quả của những khoản nợ không trả kéo dài từ 2-3 năm. Ông dự báo xu hướng siết nợ nhà ở sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

"Môi trường kinh tế hậu đại dịch đang khiến người dân gặp khó khăn, nhiều người không trả được nợ thế chấp vì mất việc làm, thu nhập không ổn định", Duan Chenglong nhận định

Ngoài ra, nguồn cung nhà ở đang trở nên dư thừa ở Trung Quốc. Ngân hàng ANZ ước tính diện tích sàn nhà ở chưa bán được của Trung Quốc hiện vượt quá 3 tỷ mét vuông vào cuối năm 2023. Hiện tượng này càng dẫn tới các đợt phát mãi ế ẩm.

Theo Reuters