Ăn không đủ no
Bắt đầu giờ nghỉ trưa tại Cty TNHH đồ chơi Chee Wah Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), hàng trăm công nhân ùa ra cổng Cty mua đồ ăn.
Chị Kim Hoa - công nhân Cty Chee Wah cho biết, suất cơm cho công nhân trong Cty ăn không no, dù đủ ba món thịt, rau, canh nhưng thịt thì toàn mỡ, được ba miếng thái mỏng như lá lúa. Có hôm, thịt còn không làm sạch, còn nguyên cả lông. Với suất cơm như vậy, đến 3 giờ chiều là đói nên đa số công nhân phải mua thêm đồ ăn để có sức làm việc.
Theo chị Hoa, năm 2010 mỗi suất cơm công nhân là 7.000 đồng. Đầu năm 2011, hàng trăm công nhân tổ chức đình công, lãnh đạo Cty đồng ý nâng suất ăn lên 11.000 đồng. Nhưng sau một tuần, Cty lại hạ suất ăn xuống dưới 10.000 đồng, chất lượng bữa cơm còn chán hơn trước. Vì chuyện này mà công nhân không dám đình công nữa.
Hiện, mức lương công nhân tại Cty Chee wah là 1.550.000 đồng/tháng. Cty có tổ chức công đoàn nhưng chị Hoa và nhiều công nhân khác không tham gia vì chẳng được ích lợi gì. Chị Hoa chia sẻ, ngoài tiền lương, không có một khoản trợ cấp nào. Môi trường làm việc luôn căng thẳng. “Nếu chúng tôi làm sai việc gì, người quản lý chửi thẳng mặt với những lời lẽ thô tục. Đi vệ sinh quá 10 phút là bị phạt điểm. Nếu ai đó bị phạt 10 điểm, công ty sẵn sàng đuổi việc” - chị Hoa nói.
Chị Hoa cho biết thêm, vẫn biết là khắc nghiệt và khó khăn nhưng vì ở quê ruộng ít, làm không đủ ăn nên chị đành gửi con cho bố mẹ ở Phú Thọ xuống Hà Nội xin làm công nhân. “Lương thấp, giá cả mọi thứ đều tăng. Tiền thuê nhà mất 300.000 đồng/tháng nên phải chi tiêu tiết kiệm, thậm chí cuối tháng còn phải nhịn ăn để có tiền gửi về nuôi con” - chị Hoa tâm sự.
Theo chân một tốp công nhân KCN Phú Nghĩa về nhà trọ cách KCN 3 cây số khi tan ca lúc 6h30 tối. Lúc này, công nhân tranh thủ đi chợ cóc ven làng. Bà Thu Hà - người bán hàng trong làng Phú Nghĩa cho biết, bán hàng ở đây chủ yếu là rau, trứng, đồ ăn khô chứ thịt cá không ai mua vì không có tiền.
Vào một xóm trọ của công nhân đang làm cho Cty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức, chúng tôi thấy cả 10 phòng tuyệt nhiên không đâu có ti vi, sách báo, tủ quần áo… “Trước giá thuê nhà là 400.000 đồng, nay mới tăng lên 500.000 đồng. Để có tiền thuê phòng, bọn em phải ở 3 - 4 người. Lương tháng chỉ có 1.350.000 đồng mà trăm thứ phải tiêu. Nửa tháng nay chúng em chưa dám ăn một lạng thịt nào” - một công nhân tên Thu Hương nói.
Khó tuyển lao động
Những năm trước đây, chỉ những tháng ngoài Tết nguyên đán, các doanh nghiệp mới phải đăng tuyển lao động vì nhiều người về quê, bỏ việc luôn. Nhưng năm nay, thời điểm này, tại bảng thông báo của KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), có tới hàng chục doanh nghiệp đăng thông tin tuyển lao động. Doanh nghiệp tuyển nhiều, tới cả ngàn, tuyển ít cũng hàng trăm.
Tuy nhiên, hàng ngày chỉ thấy lèo tèo vài lao động đến tìm hiểu thông tin. Cty TNHH Nissel Electric Hà Nội (100% vốn đầu tư Nhật Bản), chuyên sản xuất trục roller trong máy in, cáp quang dùng cho máy tính cá nhân và điện thoại di động cho biết, đang cần tuyển gấp 1.000 công nhân nữ, tuổi từ 18-28 với mức lương trung bình là 3,2 triệu đồng/tháng.
Cty Canon tuyển 500 lao động phổ thông nữ, tuổi từ 18-30, trình độ lớp 6 trở lên với mức lương 2,9 triệu đồng/tháng; Cty TNHH Molex Việt Nam (100% vốn đầu tư Mỹ), tuyển 100 công nhân nữ với thu nhập 2,7 triệu đồng/tháng; Cty Asahi Intere Hà Nội (100% vốn Nhật Bản) tuyển công nhân không giới hạn số lượng...
Tại KCN Quang Minh (huyện Mê Linh), Sài Đồng B và Hà Nội - Đài Tư (quận Long Biên) cũng có tới hàng chục doanh nghiệp FDI đăng tuyển hàng trăm lao động. Cty Nitori Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu đang cần tuyển gấp 400 công nhân nữ tuổi từ 18-27 tuổi, thu nhập trung bình từ 2,7-3,2 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền làm thêm giờ)...
Ban quản lý KCN và Khu chế xuất Hà Nội cho biết, sỡ dĩ các doanh nghiệp FDI đang lâm vào cảnh đói lao động là do mức lương quá thấp, không đảm bảo đời sống tối thiểu của công nhân.
Tuyển lao động thời vụ để trốn đóng bảo hiểm
Theo ông Ngô Chí Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý KCN và Khu Chế xuất Hà Nội, hiện có tới 257 doanh nghiệp FDI ở Hà Nội chỉ dừng lại ở việc chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu mà không hề có những mức lương đột phá để thu hút lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không có trợ cấp thâm niên khiến lao động bỏ việc, nhảy việc hoặc về quê tìm việc khác.
Ông Đỗ Tiến Đản - Trưởng Đại diện Ban quản lý tại các KCN (thuộc Ban quản lý KCN và Khu chế xuất Hà Nội), cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp FDI gia tăng tuyển lao động có thể do doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lao động hết hạn hợp đồng... nhưng có nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp FDI đang tuyển lao động thời vụ để lách luật.
Vì hợp đồng thời vụ nên doanh nghiệp có điều kiện để trốn đóng BHYT, BHTN và không thực hiện thang bảng lương theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động thường xuyên nhảy việc, bỏ việc, khiến doanh nghiệp phải liên tục tuyển lao động.