Đó là trường hợp của bệnh nhi Q.N. (2 tuổi, quốc tịch Campuchia). Theo bệnh sử, hơn nửa năm qua, bệnh nhi Q.N. đã phải nhập viện nhiều lần ở nước bạn với biểu hiện hay sốt về chiều, ho đàm, thở mệt… Bệnh nhi được chẩn đoán mắc lao phổi nhưng sau nhiều tháng điều trị tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm.
Trong một dịp sang Campuchia khám bệnh từ thiện, một bác sĩ người Việt Nam đã khám cho Q.N. và nhận định bệnh nhi Q.N. nhiều khả năng bị bệnh tim và khuyên gia đình đưa bé sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM để được thăm khám điều trị.
Khoảng 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện thở mệt tăng dần đe dọa tính mạng. Gia đình vội chuyển bé sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Qua các kết quả thăm khám, kiểm tra hình ảnh và thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ đã loại trừ khả năng trẻ mắc bệnh lao phổi và chẩn đoán trẻ bị bệnh tim có màng ngăn nhĩ trái.
BS-CKII Nguyễn Trí Hào, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Đây là ca bệnh hiếm gặp (tỷ lệ khoảng 1/1.000 trong số bệnh nhân tim bẩm sinh). Mỗi năm tại Nhi Đồng 1 chỉ tiếp nhận khoảng 1 đến 2 ca tương tự trường hợp trên. Bệnh lý trên khiến máu bị ứ lại trên phổi. Nếu chưa từng gặp bệnh lý này, bác sĩ rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lao phổi”.
Khi trẻ nhập viện, tình trạng bệnh đã diễn tiến nặng, bóng tim to, tim phải giãn lớn, sức co bóp của tim giảm sâu, áp lực động mạch phổi rất cao. Để tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhi, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật cắt màng ngăn nhĩ trái.
Tuy nhiên, khi được thông báo chi phí phẫu thuật khoảng hơn 100 triệu đồng, gia đình bệnh nhi xin đưa con về. Người mẹ của bệnh nhi cho biết, chị chỉ vay mượn được khoảng 3 triệu đồng (quy đổi từ tiền Campuchia ra VNĐ) để đưa con sang Việt Nam. Sau khi trả tiền xe, tiền thuê người phiên dịch và đóng tiền khám bệnh, chị đã không còn tiền. Hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể lo nổi chi phí điều trị.
BS-CKII Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại tim mạch cho biết, bệnh của trẻ đã kéo dài, để lại hậu quả rất nặng nề trên hệ tim mạch, nếu không phẫu thuật, cháu sẽ khó qua khỏi. Việc phẫu thuật có thể giúp trẻ trở về cuộc sống bình thường. Trước tình huống thương tâm, các bác sĩ đã xin ý kiến Ban giám đốc bệnh viện và được chỉ đạo “sự sống con người mới là quan trọng. Cứu người trước, tiền bạc tính sau”.
Sau nhiều giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật cắt màng ngăn nhĩ trái cho bệnh nhi. Sau cuộc mổ, sức khỏe của trẻ đang dần bình phục. Kết quả kiểm tra ở ngày hậu phẫu thứ 3 cho thấy, bóng tim đang dần nhỏ lại, áp lực động mạch phổi đã cải thiện và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Với nỗ lực vận động của phòng Công tác xã hội, khoản tiền hơn 100 triệu đồng thực hiện cuộc mổ cho bệnh nhi đã nhanh chóng được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Thấy con dần khỏe mạnh, mẹ của bệnh nhi vô cùng xúc động và bày tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ cả về chuyên môn và tài chính từ Bệnh viện Nhi Đồng 1.