Bạc Hi Lai chủ mưu giết người diệt khẩu?

Lại có thêm những thông tin để giải mã bí ẩn vụ cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc) Bạc Hi Lai và vợ Cốc Khai Lai...

> Toàn cảnh Vụ án Bạc Hy Lai

Bạc Hi Lai (trước) và Vương Lập Quân hát quốc ca trong một kỳ họp ở Trùng Khánh hồi tháng 1-2012 - Ảnh: Reuters.

Báo Telegraph dẫn lời hai quan chức giấu tên ở Trùng Khánh tiết lộ ngày 10-4, chính quyền Trùng Khánh đã bất ngờ triệu tập một cuộc họp cán bộ nòng cốt và thông báo diễn biến liên quan đến vụ Bạc Hi Lai. “Các cán bộ không được phép đem điện thoại vào phòng họp, không được ghi chép, chỉ ngồi nghe” - một quan chức cho biết. Sở dĩ có cuộc họp này là nhằm yêu cầu toàn thể quan chức và đảng viên cấp huyện trở lên quán triệt đầy đủ về vụ Bạc Hi Lai để thống nhất với quyết định của đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Theo quan chức này, lãnh đạo Trùng Khánh cho biết với ý đồ xóa sổ cuộc điều tra đối với vợ mình trong vụ đầu độc ông Heywood, ông Bạc Hi Lai đã ra lệnh bắt giữ ít nhất bảy người và tra tấn đến chết hai người khác. Tất cả đều là những người thân tín của cựu phó chủ tịch Trùng Khánh Vương Lập Quân. Trong lúc ông Vương Lập Quân đang trú ẩn trong lãnh sự quán Mỹ ngày 6-2, ông Bạc Hi Lai - dù lúc đó đang công tác ở tỉnh Vân Nam - đã ra lệnh bắt giữ toàn bộ phụ tá thân cận và thành viên của đội điều tra do ông Vương lãnh đạo.

Ông Bạc ra lệnh đầu độc?

Vẫn theo hai quan chức trên, tại cuộc họp, lãnh đạo Trùng Khánh đã thông báo vụ hai trợ lý của ông Vương Lập Quân bị tra tấn đến chết, và đây có thể là nguyên nhân chính khiến ông Bạc Hi Lai bị cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.

Báo Time dẫn nguồn tin từ Trùng Khánh cho biết cảnh sát mới đây đã bắt giữ hai nhân vật quan trọng là phó giám đốc Sở An ninh Trùng Khánh Quách Vệ Quốc và tổng chỉ huy đội cảnh sát hình sự Trùng Khánh Lý Dương. Ông Quách Vệ Quốc bị tình nghi đã hỗ trợ Bạc Hi Lai dập tắt vụ điều tra về cái chết của doanh nhân Heywood.

Thời Báo Châu Á dẫn nguồn từ các đảng viên Trùng Khánh cho biết cũng có ý kiến nghi ngờ chính ông Bạc Hi Lai là người ra lệnh đầu độc ông Heywood chứ không chỉ đơn thuần là bưng bít cho vợ mình. Do vậy, cơ quan điều tra Trung Quốc sẽ xem xét lập án hình sự đối với cựu bí thư Trùng Khánh. Nghi ngờ này xuất phát từ việc cảnh sát điều tra phát hiện người giúp việc thân cận của gia đình Bạc Hi Lai là Trương Hiểu Quân đã đi cùng chuyến bay với ông Heywood đến Trùng Khánh chỉ một ngày trước khi doanh nhân này bị đầu độc.

Không chỉ dính nghi án “giết người”, gia đình họ Bạc còn bị nghi ngờ đã rửa tiền một cách tinh vi. Theo Bloomberg, bí thư Quận ủy Nam An Hạ Trạch Lương đã chuyển 30 triệu nhân dân tệ không nguồn gốc cho Bạc Hi Lai thông qua bà Cốc Khai Lai. Ông Hạ đang bị cáo buộc cung cấp chất cyanide để đầu độc Heywood. Có ý kiến cho rằng Bạc Hi Lai muốn diệt khẩu Heywood vì doanh nhân này biết được bí mật về hành vi rửa tiền của gia đình Bạc Hi Lai. Reuters cho biết trước khi chết, ông Heywood đe dọa sẽ công khai các khoản tài chính mờ ám hơn 1 tỉ USD của bà Cốc Khai Lai ở nước ngoài.

Năm 2000, bà Cốc Khai Lai đã đăng ký Công ty TNHH Adad dưới tên Horus L.Kai ở Anh. Trong nhiều năm qua, tuyệt nhiên không có bất kỳ giao dịch tài chính nào được thực hiện qua công ty này. Cốc Khai Lai và bốn chị em gái của bà còn điều hành một số công ty ở Hong Kong cũng như ở đảo Virgin của Anh với tổng vốn ít nhất là 126 triệu USD.

Tiền nóng chảy qua biên giới

Giới chuyên gia tài chính quốc tế bình luận vụ Cốc Khai Lai chỉ là một trong nhiều vụ rửa tiền của giới nhà giàu Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI), người Trung Quốc đứng đầu thế giới về việc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Từ năm 2000-2008, người Trung Quốc đã chuyển 2.180 tỉ USD ra nước ngoài, gấp năm lần so với Mexico. Khảo sát của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Công ty tư vấn Bain & Co cho thấy những người Trung Quốc có tài sản hơn 1,6 triệu USD đang gửi khoảng 550 tỉ USD ở các tài khoản nước ngoài.

“Hầu hết lượng tiền khổng lồ đang chảy bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc mỗi ngày” - chuyên gia kinh tế GFI Sarah Freitas cho biết. Theo giới chuyên gia, tiền được đưa ra khỏi Trung Quốc dưới nhiều dạng và tinh vi và thường đi một vòng sang các nước dưới hình thức đầu tư bất động sản, mua hàng hóa sang trọng...

“Có hàng ngàn cách để đem tiền ra khỏi Trung Quốc, nếu bạn có địa vị chính trị ở đất nước này thì càng dễ dàng hơn” - Reuters dẫn lời giáo sư khoa tội phạm học Đại học Hong Kong Borge Bakken nhận định. Công ty tư vấn Steve Vickers Associates đánh giá khoảng 20% số tiền từ Trung Quốc gửi ra nước ngoài là từ... tham nhũng.

Theo Nhật Báo Trung Quốc, tháng 3-2012 chính quyền Bắc Kinh đã tịch thu 800 triệu USD từ sáu ngân hàng bị cáo buộc là làm trung gian rửa tiền. Đây là một trong số hơn 150 ngân hàng bị trừng phạt từ năm 2009 đến nay. Báo Tin Tức Thiên Tân cảnh báo Trung Quốc phải thực thi cải cách nhiều hơn nữa để tránh nạn lạm quyền của quan chức nhà nước.

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại