Ba tuần trong “vùng khủng bố”: Những bài học về tính kỷ luật và lòng yêu nước

Tình cờ trong chuyến thăm Israel lần này tôi được chứng kiến cách thức giáo dục lòng yêu nước nhân kỷ niệm ngày các binh sĩ nước này tử trận (11/5).

Quốc gia nào trên thế giới ít nhiều trải qua chiến tranh đều có một ngày để tưởng nhớ các liệt sĩ của dân tộc mình. Nhưng việc kỷ niệm ngày binh sĩ tử trận mỗi nước một khác.

Vào ngày binh sĩ tử trận của Israel, đúng 11 giờ  còi tầm thành phố bỗng hú vang, tất cả mọi phương tiện giao thông đang chạy trên đường đều dừng cả lại.

Lái xe và những người cùng đi đều bước ra ngoài đứng nghiêm cúi đầu trong một phút. Khi hết còi tầm mới lên xe tiếp tục đi. Người Israel dù đang du lịch ở bất cứ đâu, Sydney hay Bangkok, vào thời điểm trên đều dành một phút cúi đầu tưởng niệm.

Ngay sau phút thiêng liêng đó, tại tất cả các khu tưởng niệm binh sĩ tử trận trên toàn quốc Israel đều tổ chức lễ tưởng niệm theo một kịch bản giống nhau.

Dân chúng ở quận nào thì tới đài tưởng niệm ở quận mình dự lễ, trên ngực ai nấy đều dán một mẩu giấy in hình bông hoa cẩm chướng đỏ. Thông thường học sinh các lớp 7 hoặc lớp 8 phổ thông được chọn làm nòng cốt cho buổi lễ.

Tại nhà tưởng niệm quận Yad Labanim ở thành phố Haifa, hai nữ học sinh lớp 9 trong đồng phục nhà trường đứng gác danh dự ở lối ra vào. Trong nhà,  dàn đồng ca nhà trường dưới sự chỉ huy của một cô giáo lần lượt hát khoảng 7 bài ca ngợi những chiến binh đã tử trận.

Không khí buổi lễ thật trang nghiêm. Tôi không hiểu lời bài hát nhưng nghe giai điệu bài nào cũng thấy rất da diết, sâu lắng. Tiếp đó, học sinh các lớp thay nhau lên đọc lời hứa hành động sao cho xứng đáng với các thế hệ cha anh.

Cuối cùng là tiết mục của 3 học sinh gái diễn một hoạt cảnh ngắn đầy xúc động trên nền nhạc không lời chơi bằng hai nhạc cụ violin và piano.

Hai học sinh gái đứng cách nhau chừng 5 m, mỗi em cầm một đầu sợi dây giơ lên cao. Một em gái khác đóng vai bà mẹ già mặc tạp dề, đầu buộc khăn mang những quần áo kỷ vật của con trai bà - một binh sĩ đã tử trận – ra phơi.

 “Người mẹ” lần lượt vắt lên dây phơi bộ quần áo mà con trai bà đã mặc khi còn tuổi đi nhà trẻ, rồi bộ đồng phục học sinh khi cậu ở bậc trung học và cuối cùng là bộ quân phục khi cậu đã trở thành một người lính.

Sau khi đã vắt những quần áo trên lên dây phơi, “người mẹ” đau đớn ngồi xuống ghế ôm mặt khóc, tưởng nhớ về đứa con trai yêu quí của mình đã ngã xuống trong một trận chiến…

Tại mỗi phường xã ở Israel đều có một nhà tưởng niệm binh sĩ tử trận. Nơi đây lưu giữ một cách trân trọng những quyển sách dầy liệt kê tên tuổi và in ảnh những chiến binh người của địa phương đã tử trận.

Nhà tưởng niệm nào ở Israel cũng có một bản đồ Israel đắp nổi. Trên đó, khắp mọi miền đều có cắm hình những người lính bằng bìa tượng trưng cho sự có mặt của các binh sĩ.

Quân đội: Môi trường rèn luyện kỷ luật

Đến Israel, dễ nhận thấy người dân nước này có ý thức kỷ luật rất cao. Hành vi xả rác bừa bãi nếu cảnh sát bắt được sẽ bị phạt 70USD. Lái xe vượt đèn đỏ cũng bị phạt theo mức đó.

Ba tuần ở Israel tôi thấy các lái xe nước này không hề chen lấn, tranh cướp đường. Nếu thấy người đi bộ có ý muốn sang đường là các lái xe đều dừng lại nhường.

Trao đổi với nhiều người Israel tôi được biết, tính kỷ luật đó chủ yếu được hình thành từ việc giáo dục trong quân đội. Theo luật, các thanh niên Israel cả nam lẫn nữ  ngay sau khi tốt nghiệp lớp 12 đều phải gia nhập quân đội trong 3 năm.

Đây là thời gian tốt nhất để giáo dục kỷ luật và ý thức làm việc vì cộng đồng cho thanh niên. Quân đội là môi trường lý tưởng để thanh niên Israel không phân biệt con nhà giàu, nghèo được rèn luyện kỹ năng làm việc theo tổ nhóm vì cộng đồng.

Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, các thanh niên này mới thi vào đại học hoặc cao đẳng dạy nghề. Sự giáo dục thanh niên như vậy góp phần tạo ra một xã hội có tính kỷ luật cao.

Tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu mặt trái của xã hội này, đặc biệt là đời sống ban đêm ở các đô thị. Tại các thành phố lớn ở Israel tôi chưa nhìn thấy một quán karaoke nào.

Thanh niên Israel đi chơi đêm thường ra bãi biển, tiệm cà phê và vũ trường. Tệ nạn gái mại dâm và nghiện hút ở đây cũng có nhưng rất ít.

Người Do thái thường nói rằng Israel không may nằm ở vùng đất hầu như chẳng có tài nguyên khoáng sản gì ngoài con người. Muốn tồn tại, người Do thái chỉ còn mỗi cách là huy động nguồn chất xám của mình.

Vụ trưởng báo chí Bộ Ngoại giao Israel cho biết, lực lượng lao động của nước này có 16%  tổng số người sở hữu ít nhất một bằng tiến sĩ. Thu nhập quốc dân Israel chủ yếu từ xuất khẩu phần mềm máy tính, công nghệ sinh học tiên tiến, và vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là vệ tinh và radar.

Thế mà GDP tính theo đầu người của nước này đạt 16.000 USD. Người Do thái Israel thường nói được 3 ngoại ngữ trở lên. Dân số Israel  có 6,7 triệu người trong đó có 1,2 triệu người nói tiếng Nga.

Tiếng Anh ở Israel gần như ai cũng sử dụng thành thạo. Di cư từ các nước ngoài về, người Do thái mang theo màu sắc văn hóa của nơi họ cư trú trước đó. Nhưng không vì thế mà văn hóa ngoại lai có thể bao trùm lên văn hóa và chủ nghĩa yêu nước Do thái.


Kỳ sau:  Kibbutz – mô hình kinh tế “Made in Israel”