Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Bà Rịa- Vũng Tàu - Hệ thống dịch vụ cảng biển lớn nhất nước
Ngày 30-3 tại TpVũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức hội thảo “Logistics dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” gần 400 đại biểu là các nhà doanh nghiệp, quản lý và các nhà kinh tế trong và ngoài nước tham gia dự.
Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho biết năm 2010 sản lượng hàng hóa thông quan qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt khoảng 45 triệu tấn. Với ưu thế là hệ thống cảng nước sâu phát triển thành cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A, BR-VT là nơi rất gần với tuyến hàng hải quốc tế.
Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt trên địa bàn đã được quy hoạch và từng bước đầu tư để kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông khu vực. Đặc biệt, sau khi các dự án quan trọng như: Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, mở rộng Quốc lộ 51, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Vũng Tàu, đường sắt TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và Sân bay Long Thành hoàn thành thì ngành logistics sẽ càng có điều kiện phát triển.
Lợi thế cửa ngõ vào khu vực miển Đông
Nằm trong Cụm cảng số 5 (nhóm cảng biển Đông Nam Bộ), hệ thống cảng tại BR-VT là cửa ngõ của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là cụm cảng tổng hợp quốc gia, xuất nhập hàng tổng hợp, tàu hàng container 100.000 DWT, tàu 8.000 TEU và là đầu mối tiếp nhận tàu du lịch quốc tế cỡ lớn cho toàn vùng. Nơi đây quy tụ các tuyến vận tải hàng hải quốc tế để tập kết, phân phối, lưu thông hàng hai chiều từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ tới các nước trên thế giới và ngược lại. Lợi thế này đã rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và giá thành hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu xuất phát từ BR-VT sang các nước Âu Mỹ…
Lợi thế về cảng biển BR-VT luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài là địa phương đứng vị trí số 1 về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện BR-VT 280 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD (trong đó có 19 dự án cảng, tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. BR-VT hiện là trung tâm sản xuất thép, điện, đạm lớn nhất nước.
Một loạt cảng chuyên dùng như: cảng dầu khí, cảng tổng hợp, cảng thép, xăng dầu đã được đưa vào hoạt động và nhiều cảng quy mô lớn đang được tiếp tục đầu tư như cảng container, căn cứ dịch vụ hàng hải, sửa chữa tàu thuyền… Tính đến đầu năm 2011, tỉnh có 21 cảng biển, với tổng công suất khoảng 45 triệu tấn/năm, trong đó có 3 cảng quốc tế tiếp nhận tàu chở container có trọng tải trên 50.000 tấn chạy thẳng sang Mỹ và châu Mỹ. Dự báo đến năm 2015, lượng hàng qua hệ thống cảng BR-VT sẽ đạt trên 60 triệu tấn và đến năm 2020, con số này sẽ là 120 triệu tấn.
Xây dựng cảng biển BR-VT xứng tầm
Những năm qua, BR-VT đã thu hút các tập đoàn đầu tư và khai thác cảng biển lớn của thế giới, như: Hutchison Port Holding (HongKong – Trung Quốc), PSA (Singapore), SSA (Mỹ)… BR-VT có đến 3 cảng nước sâu đi vào hoạt động, có thể đón tàu từ 50.000 – 110.000 tấn vào ăn hàng.
Tháng 6 – 2009, cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép đón chiếc tàu MOL Premium trọng tải toàn phần lên đến 73.000 tấn, sức chở 6.350 TEU. Đây là tàu container lớn nhất từ trước đến nay cập cảng Việt Nam. Có thể thấy, hệ thống cảng nước sâu BR-VT đi vào hoạt động làm cho vị thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của BR-VT được nâng cao .
Hội thảo Logistics dịch vụ cảng biển Việt Nam tại TP.Vũng Tàu là dịp để các nhà kinh tế, các doanh nghiệp làm rõ những vấn đề còn bất cập của BR-VT trên các mặt: Quy hoạch và phát triển đô thị cảng; phát triển cảng và dịch vụ logistics; hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính….
Thông qua hội thảo này, BR-VT kỳ vọng nhận thức rõ về tiềm năng và lợi thế của mình trong lĩnh vực phát triển cảng biển và dịch vụ logistics, xây dựng BR-VT là địa phương đi đầu về cảng biển, dich vụ cảng biển và dịch vu Logistics tại Việt Nam - lãnh đạo UBND tỉnh BR-VT, cho biết.
Phạm Hùng