Ba giám đốc lĩnh án vì buôn lậu

TP - Hôm qua (3/2), TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Tạ Phong (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty Gia Thịnh) 12 năm tù, Phạm Đăng Khoa (sinh năm 1990, Giám đốc Công ty AZA) 5 năm 6 tháng tù và Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1987, Giám đốc công ty BTQ) 3 năm tù, cho hưởng án treo - cùng về tội danh “Buôn lậu”. 
Các bị cáo tại phiên tòa hôm qua 3/2. Ảnh: T.M

Theo cáo trạng, Công ty Gia Thịnh được thành lập vào năm 2009 hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, mua bán đồ điện gia dụng, đèn, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện. Ngày 3/8/2017, Công ty Gia Thịnh mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, TPHCM. Hàng hóa nhập khẩu khai báo là 13 danh mục đèn led có nguồn gốc xuất xứ  Trung Quốc với tổng số lượng là 22.075 cái, thuế nhập khẩu là 0%, trị giá lô hàng là 203 triệu đồng hàng mới 100%. Nghi ngờ công ty này kê khai không đúng thực tế hàng nhập khẩu, Hải quan đã kiểm tra thực tế lô hàng và xác định, hàng hóa nhập khẩu không đúng số lượng khai báo, không đúng mã số hàng hóa. Tổng số hàng hóa vi phạm là 19.415 đèn led các loại có giá trị gần 3 tỷ đồng.

Thông qua bạn bè người Trung Quốc, Tạ Phong mua đèn led các loại và nhập khẩu theo 3 bộ tờ khai của Công ty Gia Thịnh. Phạm Đăng Khoa là người được Tạ Phong thuê làm thủ tục nhập khẩu lô hàng. Khoa không trực tiếp thực hiện mà giao cho Thủy làm thủ tục nhập khẩu và hoàn thiện hồ sơ hải quan nhập khẩu lô hàng.

Quanh co chối tội

Ngay khi vụ án bị phanh phui, tại cơ quan điều tra, ban đầu Tạ Phong đã khai nhận như trên, sau đó Phong thay đổi lời khai, cho rằng không bàn bạc với Phạm Đăng Khoa để giảm số lượng hàng và Tạ Phong chỉ sử dụng pháp nhân Công ty Gia Thịnh để nhập khẩu đèn led cho một người Trung Quốc tên Liuton (không rõ lai lịch). Còn vợ của Tạ Phong là Lê Ngọc Hoàng Yến khai, Công ty Gia Thịnh do chồng Yến thành lập trực tiếp điều hành và giao dịch mua bán, cuối tháng 7/2017, Yến mang thai sắp sinh, do đó Phong và Khoa có yêu cầu Yến ký tên đóng dấu Công ty Gia Thịnh trên một số tờ giấy trắng, chưa thể hiện nội dung gì, vì muốn giúp chồng thuận tiện trong việc làm thủ tục nhập khẩu, Yến hoàn toàn không tham gia, không biết việc thỏa thuận mua bán hàng hóa gì, số lượng bao nhiêu, với cá nhân nào tại Trung Quốc. Yến cũng khai không biết Phong và Khoa thỏa thuận khai sai về chủng loại, mã số, chất lượng hàng hóa...

Cơ quan điều tra xác định Phong là người trực tiếp điều hành Công ty Gia Thịnh. Vợ Phong có giai đoạn đứng tên làm giám đốc nhưng thực chất việc quản lý điều hành đều do Phong thực hiện nên chưa đủ cơ sở để xử lý. Đối với chủ hàng người Trung Quốc tên Liuton, hiện không có chứng cứ, tài liệu chứng minh. Bản thân Phong cũng không biết rõ nhân thân lai lịch của người này nên không có cơ sở xử lý.

Đối với đối tượng người Trung Quốc, bị cáo Tạ Phong khai là chủ hàng nhưng không có chứng cứ, tài liệu xác minh. Bản thân Phong không biết rõ nhân thân lai lịch nên cơ quan tố tụng không có căn cứ xử lý.