Áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường để giảm tình trạng thừa cân

Dự thảo chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát có đường đang gây ra những luồng ý kiến tranh cãi mạnh mẽ trong đó có việc lấy căn cứ nước giải khát là nguyên nhân gây béo phì, tiểu đường...

Dự thảo chính sách thuế mới đối với nước giải khát có đường đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bên liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính quy định sẽ áp mới thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường. 

Cơ quan soạn thảo cho rằng, nâng thuế gián thu đối với lĩnh vực nước giải khát có đường sẽ hạn chế người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này, theo đó công cụ thuế sẽ đạt được ba mục đích: Bảo vệ sức khỏe người dân vì lượng đường tiêu thụ dễ gây thừa cân béo phì, mắc bệnh tiểu đường, phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

 

Bộ Tài chính đưa ra con số tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh mức tỷ lệ này lên tới 10,8% - cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). 

Tuy nhiên, một số liệu khác của Tổ chức Y tế thế giới cho hay, Việt Nam là nước có tỷ lệ người thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ người thừa cân chiếm khoảng 10,2% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì trung bình của thế giới năm 2016 là 39%.

Đó là chưa kể, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em phần lớn là trẻ em thành thị, trong khi nước ta hơn 60% dân số sống ở nông thôn. Chưa kể, đường và chất tạo ngọt chỉ chiếm 4% tổng số năng lượng trong chế độ ăn hàng ngày của một người Việt.

Theo các chuyên gia, vấn đề béo phì hiện nay do nhiều nguyên nhân như xu hướng đô thị hóa, thay đổi về tập quán và khẩu vị hay lối sống ít vận động của người dân. Các chuyên gia dinh dưỡng cho hay, béo phì do nhiều nguyên nhân gây ra, chứ không phải chỉ nguyên nhân là từ đường mà tập trung vào các nguyên nhân như: lối sống lười vận động, chế độ ăn uống chưa hợp lý, thiếu chất xơ… 

Ông Herbert Corchran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích, bởi việc áp dụng thuế chưa chứng minh rằng chúng sẽ bảo vệ sức khoẻ của người dân.

 

Và trên thực tế, việc nạp năng lượng từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau, một chế độ sinh hoạt ít lành mạnh mới là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh về béo phì, tiểu đường chứ không chỉ do đồ uống ngọt.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, việc thay đổi một chất nào đó trong thực phẩm chưa thể giải quyết được vần đề sức khỏe và bệnh tật.

Áp thuế TTĐB để giảm tình trạng thừa cân, béo phì?

Hiện chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ giữa việc áp thuế với giảm béo phì.

Các báo cáo cho hay, lượng tiêu thụ đường và chất tạo ngọt của người Việt Nam đều tương đối thấp. Tính trung bình, một người Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 10,2 kg đường và chất tạo ngọt trong năm 2013, kém xa tỉ lệ trung bình của thế giới (24kg) và mức trung bình ở nhiều nước khác. Đường và chất tạo ngọt chỉ cung cấp khoảng 4% tổng số năng lượng trong chế độ ăn hàng ngày của một người Việt và chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trung bình của thế giới (8%). Thành phần chính trong khẩu phần ăn của người Việt vẫn là ngũ cốc (57%), trong đó chủ yếu là gạo (52%).

Người Việt cũng ít tiêu thụ nước ngọt. Số liệu cho thấy người Việt tiêu thụ ít nước ngọt hơn nhiều so với người dân ở các quốc gia khác chứ chưa nói tới việc “lạm dụng” nước ngọt.

Điều quan trọng hơn cả, để giảm tình trạng thừa cân,béo phì thì người dân cần hiểu rõ về việc tiêu thụ đường như thế nào là hợp lý chứ không phải áp thuế TTĐB sẽ làm giảm tình trạng này. 

Và một vấn đề lợi bất cập hại được đưa ra khi việc áp thuế có thể gây phương hại tới nền kinh tế. Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt ở mức thuế 10% và mức thuế VAT được giữ nguyên, GDP sẽ giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế sẽ giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077%, và lao động giảm 0,06-0.08%.

Không những vậy, dự luật thuế có thể gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Đó là chưa kể đến việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía. Như vậy, việc áp thuế có thể gây tác động lớn đến một bộ phận đông dân số sống ở nông thôn, người lao động tay chân, người có thu nhập thấp. 

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), hiện nay mới chỉ có 40/195 quốc gia và vùng lãnh thổ mới áp thuế TTĐB với nước ngọt. Tại khu vực châu Á, chỉ có 4 nước là Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei áp thuế TTĐB với nước ngọt. 

Trong khi đó, điều đáng lo ngại nhất theo ông Vỵ khi tăng thuế này là khiến quy mô sản xuất giảm, giá sản phẩm trong nước cao sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng cũng như nông dân trồng mía.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho hay, trong bối cảnh Chính phủ đang có những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của đất nước, đặt ưu tiên cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và người dân thì đề xuất của các nhà làm luật cần lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Đồng thời phải có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về những tác động trước mắt cũng như dài hạn của các chính sách này tới nền kinh tế.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam nêu quan điểm, cơ quan nhà nước có thể xây dựng những chính sách có tính thân thiện thị trường hơn, phi thuế quan nhằm thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng vốn đã được triển khai hiệu quả ở nước khác như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe; đánh thuế theo lượng đường hoặc dựa trên một mức tuyệt đối nhất định; thuyết phục các công ty sản xuất tự cam kết và xây dựng kế hoạch giảm mức đường trong sản phẩm; công bố chuẩn dinh dưỡng; dán nhãn sản phẩm để thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng…

Các chuyên gia khác thì cho rằng, nếu trường hợp Chính phủ vẫn quyết định thông qua dự luật thuế này, thì cần giãn thời gian thi hành, có thể kéo giãm ra từ 3-5 năm để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị và điều chỉnh.