[ẢNH] Vén màn bí mật siêu tiêm kích JAS-39 Gripen

TPO - Chiến đấu cơ JAS-39 Gripen của Thụy Điển đang lặng lẽ thâm nhập các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Brazil hay Croatia- vốn là những khách hàng truyền thống của Nga và Mỹ.

Năm 1978, chính phủ Thụy Điển quyết định trang bị cho không quân nước này các máy bay thế hệ thứ tư hiện đại, có thể sánh ngang với F-16 mà Mỹ hoặc loại MiG-29 của Liên Xô.

Tháng 6/1982, nhiệm vụ chế tạo chiếc máy bay này chính thức được giao cho công ty hàng không quân sự SAAB, công ty Ericsson và tập đoàn Volvo. Chiếc máy bay mới được mang mã hiệu JAS-39, với JAS có nghĩa là phòng không (J), tấn công mặt đất (A) và tuần tiễu (S) theo tiếng Thụy Điển.

Sau 14 năm phát triển, chuyến bay thử nghiệm cuối cùng của JAS-39 Gripen đã thành công và chiếc máy bay này chính thức được giới thiệu tháng 12/1996.

JAS-39 Gripen được thiết kế là một chiếc máy bay đa nhiệm hạng nhẹ một động cơ, với chiều dài 12 m và sải cánh 8 m, nhỏ hơn chiếc F-16 (dài 14,8 m, sải cánh 9,8 m). Nhẹ hơn F-16 gần hai tấn nên Gripen JAS-39 khi chỉ có thể mang tối đa 6 tấn nhiên liệu và vũ khí, trong khi, F-16 có thể mang tới 11 tấn.

Thiết bị điện tử trên Gripen là sản phẩm của các công ty điện tử hàng đầu châu Âu với radar tầm xa PS-05 do Ericsson sản xuất, có khả năng phát hiện, định vị, nhận dạng và tự động theo dõi nhiều mục tiêu cả trên không, trên biển hay mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết.

Hệ thống theo dõi hồng ngoại FLIR hay Saab IRortis IRST cũng cung cấp cho Gripen khả năng không chiến tầm gần mạnh mẽ. Hệ thống phân biệt bạn thù (IFF - Indentify Friend or Foe) TSC-2000 do Thales (Pháp) sản xuất khiến Gripen càng hiệu quả hơn trong những nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến.

Hệ thống vũ khí của Gripen bao gồm một khẩu pháo Mauser 27 mm do Đức sản xuất với 120 viên đạn được gắn trong thân máy bay có khả năng ngắm bắn tự động bằng radar. Ngoài ra, 7 mấu cứng trên cánh và thân có thể gắn các loại tên lửa, bom, thùng dầu phụ hay thiết bị đối kháng điện tử.

Gripen hoàn toàn tương thích với các loại tên lửa đối không của phương Tây như AIM-120B AMRAAM, AIM-9L Sidewinder của Mỹ; MBDA MICA của Pháp hay RB-74 do Thụy Điển tự sản xuất.

Trong các nhiệm vụ tấn công trên mặt đất và trên biển, Gripen có thể sử dụng loại tên lửa chống hạm “nội địa” Saab RBS-15F với tầm bắn lên tới 250 km (tương đương với phiên bản tên lửa Harpoon hiện đại nhất của Mỹ và còn vượt hơn một chút so với tên lửa Kh-41 Moskit của Nga) hay tên lửa đối đất Taurus KEPD - sản phẩm hợp tác của Thụy Điển và Pháp có tầm bắn lên tới 350 km.

Giống như các dòng máy bay khác của châu Âu như Eurofighter Typhoon, buồng lái của Gripen được bố trí thân thiện với phi công khi trang bị các màn hình LCD cỡ lớn hiển thị rõ ràng các thông số kỹ thuật cùng một màn hình gắn trên mũ bay (HUD).

Điểm mạnh nhất của JAS-39 Gripen là giá thành bảo trì rất thấp so với các máy bay cùng loại của Mỹ hay Nga. Điều này cho phép máy bay có độ tin cậy cao trong các cuộc chiến khi điều kiện bảo dưỡng khó khăn hơn rất nhiều so với ngày thường.

Không những thế, Gripen có thể cất cánh và hạ cánh trên những đường băng gồ ghề chỉ dài 800 m và rộng 9 m, rất thích hợp cho các tình huống khẩn cấp khi các sân bay bị đánh phá nặng nề.

Với khẩu hiệu: “Dù trước đây bạn sử dụng thứ gì, thì tương lai bạn vẫn có thể sử dụng hiệu quả Gripen” (Whatever Your Past The Future Is Gripen), chiến đấu cơ JAS-39 Gripen của Thụy Điển đang lặng lẽ thâm nhập các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Brazil hay Croatia... những khách hàng truyền thống của Nga và Mỹ.

Theo Theo Lenta/Tổng hợp