Anh rể gian tham, xui chị gái đòi chia thừa kế

TPO - Anh ta đúng là ngoài mặt thơn thớt nói cười mà bên trong lắm mưu sâu kế hiểm. Anh ta xui vợ, chị gái tôi, trở mặt đòi chia thừa kế, dù trước đó chị đồng ý không nhận phần mình.
Ảnh minh họa: Internet

Quan điểm của bạn đọc về vấn đề này, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Bố mẹ tôi sinh ra 3 đứa con, chị cả, tôi và chú em út. Cả ba đều đã xây dựng gia đình và có cơ ngơi riêng, không ai giàu cũng chẳng ai nghèo. Mẹ tôi mất từ lâu, còn bố tôi vừa qua đời.

Sinh thời, ông có lần tuyên bố trong một bữa giỗ mẹ rằng con gái đầu đã được cho nửa cây vàng hồi môn lúc đi lấy chồng rồi, sau đó sẽ hưởng lộc nhà chồng chứ không được chia tài sản nữa, còn hai đứa con trai thì chia theo tỷ lệ con cả 6 phần, con thứ 4 phần, cụ thể là tôi thừa kế căn nhà, còn em tôi được số tiền, vàng tiết kiệm của cụ. Tuyên bố  đó được nhiều người trong họ tộc chứng kiến, và vợ chồng chị gái tôi cũng không nói gì.

Thế nhưng khi bố tôi vừa nằm xuống, ma chay vừa xong thì chị tôi lại đòi chia thừa kế theo đúng pháp luật. Qua nói chuyện, tôi tinh ý hiểu ngay ra rằng chính anh rể xui chị làm vậy.

Anh ta đang cần vốn làm ăn và nói với chị tôi rằng gái trai gì cũng bình đẳng trước pháp luật về nghĩa vụ và quyền lợi, rằng chị đã tận tình chăm sóc bố còn hơn cả các em, nên quyền thừa kế không thể ít hơn.

Chị tôi chiều chồng nên đã làm cái chuyện mất hết cả tình nghĩa anh em, đó là đòi chia gia tài, trái với di nguyện của bố và truyền thông gia đình, đó là con gái không được chia thừa kế, bởi con trai mới là người giữ hương hỏa gia đình, nối dòng cho họ tộc.

Nói thế nào chị cũng không nghe. Thật tôi đau lòng quá, không ngờ bố vừa chết mà anh chị em đã tan nát vì của cải thế này.

Chuyên gia tư vấn:

Thực ra, gia đình bạn tan nát hay vẫn đầm ấm, anh em bạn mất hết tình nghĩa hay vẫn hòa thuận với nhau không chỉ phụ thuộc vào cách hành xử của chị gái, anh rể bạn, mà bạn và em trai cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Bạn oán trách anh chị, coi họ là người phá nát gia đình, chẳng qua vì bạn nhìn nhận việc chia thừa kế cho chị gái là điều không thể chấp nhận được. Nếu nhìn nhận khác đi, bạn sẽ thấy chuyện không nghiêm trọng đến thế, và chị bạn không phải một mình chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay.

 Xét về lý, chị bạn có quyền thừa kế ngang với các em mình. Pháp luật sẽ ủng hộ chị ấy nếu các bạn không tự giải quyết êm thấm được với nhau và phải đưa vụ việc ra cơ quan chức năng. 

Xét về tình, sao bạn không thấy vui lòng khi chị mình cũng nhận được phần “lộc” của cha mẹ để lại? Nếu bạn cũng yêu thương chị mình thì sẽ không cảm thấy mất mát nếu chị được thừa kế. 

Còn chuyện truyền thống gia tộc hay ý nguyện của bố, bạn hãy nghĩ thoáng ra một chút. Ý nguyện của bố mẹ là thấy các con yêu thương nhau, bạn và em trai chỉ việc chấp nhận quyền thừa kế của chị và không để việc ấy ảnh hưởng đến tình cảm, thế là ý nguyện đó của bố bạn sẽ thành hiện thực thôi. 

Còn truyền thống, phong tục, bạn cũng biết rằng theo thời gian, có nhiều điều không còn phù hợp và nên sửa đổi, có phải không?

 Chúc đại gia đình bạn luôn là một khối thống nhất.