Với tổng trị giá ước khoảng 205 tỷ bảng, chương trình Trident là hoạt động quan trọng đầu tiên của tân Thủ tướng Anh Theresa May và sau sự kiện Brexit (Anh tách khỏi Liên minh châu Âu – EU). Chương trình hiện đại hóa này cũng đồng nghĩa với việc Anh tiếp tục duy trình khả năng răn đe hạt nhân trên các đại dương bằng tàu ngầm mang tên lửa chiến lược.
“Chúng ta không thể đảm bảo an ninh nội địa của nước Anh hay bảo vệ thường dân chỉ bằng các nguồn lực bên ngoài. Chúng ta không nên vì sự hoài nghi mà bỏ biện pháp tự vệ cuối cùng có tính răn đe mạnh mẽ. Đó thực sự là canh bạc quá liều lĩnh”, tân Thủ tướng Anh T. May phát biểu bên lề cuộc bỏ phiếu.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard và Tên lửa Trident II hiện là xương sống của lực lượng hạt nhân chiến lược Anh.
Chính phủ Anh đã vận động cho chương trình Trident từ năm 2007, nhưng chương trình không được thông qua do vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập.
Các chuyên gia quân sự nhận định, sức mạnh răn đe hạt nhân của Anh hiện tại được đánh giá là sẽ lạc hậu trong vòng 10-15 năm tới và chương trình Trident sẽ thay đổi điều này. Cụ thể, lực lượng hạt nhân chiến lược Anh sẽ được tái trang bị 4 tàu ngầm hạt nhân mới lớp Successor thay thế cho các tàu ngầm cũ hoạt động từ đầu những năm 1980. Các đơn vị tên lửa chiến lược Trident II D-5 cũng được hiện đại hóa và trang bị các đầu đạn có khả năng tự dẫn. Giới chức quân sự Anh đánh giá, nhờ chương trình Trident, lực lượng hạt nhân chiến lược Anh sẽ có bộ mặt mới từ những năm 2030 và duy trì sức mạnh răn đe tới những năm 2060.
Những tranh cãi trái chiều xung quanh chương trình Trident
Rất nhiều nhà lập pháp Anh ủng hộ chương trình Trident, trong đó có nữ Thủ tướng Theresa May và các chính trị gia Đảng Bảo thủ. Theo quan điểm của những người ủng hộ, chương trình Trident là cần thiết trong bối cảnh tình hình chính trị toàn cầu đang có nhiều bất ổn như hiện nay.
“Chúng ta không thể chắc chắn được các mối đe dọa cực đoan có thể xuất hiện bất ngờ trong 30-40 năm tới hay không. Chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền an ninh của nước Anh, cũng như cách sống của người Anh”, bà T. May tuyên bố.
Ngoài ra, những người ủng hộ chương trình Trident cũng đưa ra lý do về việc nước Anh đang mất dần ảnh hưởng trên thế giới và an ninh của đảo quốc này đang bị đe dọa. Ngoài ra, việc chương trình Trident được thông qua sẽ tạo 15.000 việc làm trong lĩnh vực hạt nhân quốc phòng trong nhiều năm tới.
Trong khi đó, đề xuất nâng cấp lực lượng chiến lược lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đảng Quốc gia Scotland, cũng như thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn.
“Quyết định của chúng ta có thể làm hàng triệu người mất mạng mà không được báo trước. Tôi muốn khẳng định rằng, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ quyết định có thể cướp đi mạng sống của hàng triệu người. Tôi không tin rằng, đó là hành động hợp pháp và hợp lý theo thông lệ quốc tế”, ông J. Corbyn phát biểu. Theo quan điểm của ông J. Corbyn, Anh nên giảm dần quy mô lực lượng hạt nhân chiến lực của mình như một phần cam kết khi tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, nhiều chính trị gia cho rằng, số tiền dành cho chương trình Trident nên được dùng để đầu tư cho các chương trình xã hội trong bối cảnh nước Anh đang trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng”. Cùng với đó, tổng chi phí dự tính của chương trình Trident ngày càng tăng cao cũng là lý do. Tổng chi phí dự tính của chương trình trên từ mức 41 tỷ Bảng dự kiến năm 2009, đã tăng lên hơn 200 tỷ Bảng theo thời giá năm 2016 và còn có thể tăng thêm.
“Nhiều người cho rằng, cách đó không phải là phương pháp sử dụng tốt nhất tiền đóng thuế của người dân. Nó nên được đầu tư cho y tế, giáo dục, tạo công ăn việc làm mới hay các chương trình dân sinh”, Tổng thư ký chương trình vận động cắt giảm vũ khí chiến lược Anh, Kate Hudson tuyên bố.