Anh hùng lao động Thái Hương: Hun đúc ước mơ và hoài bão, kiên trì những giá trị thật

TP - Anh hùng lao động Thái Hương với vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Trưởng ban Nữ Doanh nhân VCCI, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, ủy viên Ban chấp hành VCCI đã có nhiều năm nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nữ, đồng thời cũng gây dựng những dự án “thành công ngoài sức tưởng tượng” mang những sản phẩm tốt cho sức khỏe tới cộng đồng với “trái tim và tấm lòng người mẹ”.

Hình ảnh nữ doanh nhân tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam thời đại mới

Nhìn biểu đồ phát triển có thể thấy lực lượng nữ doanh nhân Việt Nam đang gia tăng mạnh. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25% (cao nhất Đông Nam Á). Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Mường Lống-nơi trồng, thu hái thảo dược nguyên liệu cho Trà thảo dược túi lọc TH true HERBAL vừa ra mắt cuối tháng 9

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam ra đời, không ngừng trưởng thành và phát triển. Số lượng hội viên tăng lên 400%. Năm 2020-2021, thế giới chao đảo vì dịch bệnh Covid 19. Trong cơn khủng hoảng, những nữ doanh nhân đã chứng tỏ sức mạnh nội lực của mình. Giữa lúc tương lai mờ mịt nhất, họ vẫn tỏa sáng bằng năng lực tự thân để tìm hướng đi cho doanh nghiệp mình.

Không thể phủ nhận rằng người có sức ảnh hưởng và sự lan tỏa tinh thần tích cực ấy đến các thành viên VAWE chính là doanh nhân Thái Hương, hạt nhân của liên minh các nữ doanh nghiệp Việt Nam.

Nữ doanh nhân Việt Nam ngày nay được cộng đồng doanh nghiệp ví như người thuyền trưởng vững vàng, chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách và đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng tự hào. Không chỉ trên thương trường, nhiều nữ doanh nhân vẫn luôn gìn giữ, phát huy, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, với thiên chức của người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong xây dựng gia đình, chăm sóc thế hệ trước và nuôi dạy thế hệ sau.

Cùng doanh nhân nữ hiến kế vượt khó

“Mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng”.

Anh hùng lao động Thái Hương

Ngay sau dịch, bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo giảm tăng trưởng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, ở trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng.

Trong đó có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Tuy nhiên, theo doanh nhân Thái Hương, tình trạng giảm cầu, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng nói chung đã gây thêm nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào và có hoạt động giao thương biên giới sôi động như Việt Nam. Doanh thu sụt giảm, thu hẹp quy mô sản xuất trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền lương, các chi phí như trả lãi vay ngân hàng, mặt bằng, điện nước, đóng các khoản bảo hiểm… khiến dòng tiền của doanh nghiệp thiếu hụt nghiêm trọng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động đã khiến một số ngành như logistics, công nghiệp, chế biến chế tạo, du lịch lữ hành, dệt may, da giày & túi xách, thuỷ sản… gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá dầu leo thang, áp lực lạm phát tăng cao; việc số hoá dịch vụ hành chính công nhưng vẫn có nhiều tồn tại; Môi trường kinh doanh còn nhiều điểm hạn chế. Nhìn nhận các khó khăn đó, từ phía Hiệp hội doanh nhân nữ, bà Thái Hương đã mạnh dạn kiến nghị: “Để khắc phục những khó khăn hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp phải tự lực vươn lên. Trước khó khăn, doanh nghiệp phải sớm đánh giá được mình, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan hạn chế sự phát triển, tự tái cấu trúc chính mình, hình thành một Hệ sinh thái phát triển bền vững. Ví dụ như ở Tập đoàn TH, hướng đi thực phẩm sạch và sự kiên trì theo đuổi những giá trị thực, vì sức khỏe và hạnh phúc con người chính là yếu tố gốc của phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tiếp thu khoa học công nghệ, cách quản trị mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra qui trình lao động với năng suất và hiệu quả cao”.

Bà cũng nhấn mạnh một điều rất quan trọng nữa đối với mỗi doanh nghiệp là người đứng đầu phải có khát vọng và khơi dậy khát vọng để phát triển, để tạo ra sức mạnh cho dân tộc.

“Mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ và hoài bão. Nhưng chúng ta phải hun đúc, phải nuôi dưỡng để ước mơ, hoài bão đó thành khát vọng. Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực, để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn, để đất nước chúng ta giàu có, văn minh”- anh hùng lao động Thái Hương khẳng định.

… và câu chuyện phát triển thần kỳ của TH

Bắt đầu từ khát vọng vươn lên trên chính đồng đất Việt đến sứ mệnh thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, cộng đồng, mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch” của Tập đoàn TH đang được anh hùng lao động Thái Hương nhân rộng ra nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm sữa tươi sạch, vì sức khỏe cộng đồng.

“Chúng tôi đã kiên trì làm nên cuộc cách mạng sữa tươi sạch tại Việt Nam; cuộc cách mạng về thực phẩm organic tiêu chuẩn quốc tế, cuộc cách mạng về đồ uống dược liệu- làm kinh tế dưới tán rừng, cuộc cách mạng về đồ uống không dùng đường mà dùng vị ngọt tự nhiên từ quả và hạt giúp phòng chống các bệnh mãn tính không lây của thời đại như tim mạch, tiểu đường, béo phì…”- bà chia sẻ.

Cho tới thời điểm này, tại Nghệ An, tập đoàn TH đã và đang vận hành hơn 20 Dự án đầu tư ở nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là nông nghiệp, thực phẩm.

Từ thực tiễn triển khai Dự án tại Nghệ An, bà đã có đúc kết về kinh nghiệm cốt lõi đã làm nên thành công: ngoài tiềm lực tài chính, năng lực quản trị và sự nỗ lực của nhà đầu tư thì nhân tố vô cùng quan trọng là sự quyết liệt vào cuộc của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu và hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn.

Sau sữa, anh hùng lao động Thái Hương tiếp tục phát triển các Dự án bảo tồn, nhân giống và chế biến thảo dược. Bà từng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có hơn 5.000 loại thảo dược, đứng thứ 15 trên tổng số 26 quốc gia trên thế giới về đa dạng sinh học. Thiên nhiên đất nước ta được cha ông ta xưa nay ví như rừng vàng biển bạc nhưng vì nhận thức của con người, vì những hành động của người như chặt phá rừng, làm xói mòn đất gây sạt lở, lũ lụt khiến cho cuộc sống của người dân nghèo khổ. Bên cạnh đó vì miếng cơm manh áo mà nguồn dược liệu của ta còn bị bán cả gốc cả rễ sang các thị trường lân cận, khiến cho nguồn dược liệu phong phú của nước ta dần bị mất đi theo thời gian. Chính vì nhìn thấy những vấn đề đó, bà luôn ấp ủ để gây dựng lại một hệ sinh thái dược liệu trên chính mảnh đất quê hương, trong đó có vùng dược liệu Mường Lống, Nghệ An.

Với con đường thảo dược, bà dẫn dắt tập đoàn TH cho ra đời những sản phẩm tốt cho sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, phòng chống các bệnh mãn tính không lây, tạo ra môi trường sống sạch, ăn sạch cho người dân. Tại Diễn đàn dinh dưỡng quốc tế năm 2018, bà đã từng nhấn mạnh: “Việt Nam là đất nước nhiệt đới, bốn mùa hoa trái xanh tươi, đủ điều kiện làm bếp ăn tử tế cho cả thế giới, nhưng trước hết phải làm bếp ăn tử tế cho người Việt đã”. Đó chính là con đường dài theo đuổi những giá trị thật mà bà hằng vươn tới.

Ngày 11/1/2022, Tạp chí hàng đầu thế giới Forbes đã công bố danh sách Forbes 50 Over 50 Asia 2022 - vinh danh 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có sức ảnh hưởng lớn, tích cực ở tầm quốc tế. Khi công bố lý do lựa chọn doanh nhân Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH vào danh sách đặc biệt năm 2022, Forbes viết: “Bà Thái Hương được biết đến với vai trò tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Bà đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành sữa ở quốc gia này từ năm 2008 bằng cách đầu tư vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tập trung sử dụng công nghệ cao từ Israel, giúp giảm tỷ lệ sản phẩm sữa hoàn nguyên (pha lại từ sữa bột) ở Việt Nam từ 92% xuống còn 60% (năm 2020)”.

Đây chỉ là một trong những danh hiệu quốc tế cao quý đã từng được vinh danh trong sự nghiệp của bà.

Trong 2 năm liên tiếp 2015, 2016, Forbes đã bình chọn bà Thái Hương vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á.

Năm 2017, bà được vinh danh Giải thưởng doanh nhân châu Á, (Asia Pacific Entrepreneurship Award) dành cho lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật, có thành tích xuất sắc và đổi mới tại Việt Nam.

Năm 2018, Stevie Awards - giải thưởng Oscar trong kinh doanh - đã nêu tên bà ở danh hiệu Nhà lãnh đạo xuất sắc của năm.

Anh hùng Lao động Thái Hương cũng là người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại Diễn đàn Tri thức Thế giới năm 2019 tại Hàn Quốc và được trao tặng Giải thưởng Nữ doanh nhân Quyền lực tại đây.

Năm 2020, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) đã trao cho bà giải Lãnh đạo cam kết Bình đẳng giới trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ tại châu Á.