Mì tôm có quá trình sản xuất nghiêm ngặt
Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, quy trình sản xuất mì ăn liền tiên tiến hiện nay đã kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt giúp loại trừ phần lớn các nguy cơ có hại cho sức khỏe người dùng. Như một quy trình sản xuất mì ăn liền theo kỹ thuật Nhật Bản sẽ cần trải qua 12 công đoạn khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có tỉ lệ tự động hóa cao.
Theo đó, 100% nguyên liệu đầu vào như bột lúa mì, dầu cọ và các thành phần trong gói gia vị đường, muối, bột nêm,… rau, củ sấy các loại, tôm, thịt gà, thịt heo sấy... phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo qui định, đồng thời được kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trước khi đưa vào nhà máy sản xuất. Không chỉ với nguyên liệu đầu vào mà trước khi được đóng thùng để đưa tới tay người tiêu dùng, từng gói mì cũng phải trải qua rất nhiều bước kiểm tra khắt khe của các thiết bị kiểm tra hiện đại như: máy dò kim loại, máy cân trọng lượng và máy rà soát dị vật X-ray. Những gói mì không đạt chuẩn sẽ bị loại khỏi quy trình.
Đặc biệt, trong quy trình sản xuất mì, vấn đề dầu chiên luôn được chú trọng, kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng. Theo đó, dầu được gia nhiệt gián tiếp bằng hơi nước (tương tự chưng cách thủy) bên ngoài trước khi dẫn vào chảo chiên. Xuyên suốt quá trình chiên, dầu mới luôn được bổ sung một cách liên tục và đều đặn, đồng thời nhiệt độ dầu cũng được kiểm soát để luôn duy trì ổn định, đảm bảo chỉ số oxy hóa của dầu luôn tuân thủ theo quy định.
Chúng ta là người quyết định mì tôm tốt hay xấu
Hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học xác thực nào chứng minh mì tôm có hại cho sức khỏe. Do đó, những lời “đồn thổi” về tác hại của mì tôm là thiếu căn cứ khoa học.
Dưới góc độ của các chuyên gia dinh dưỡng, mì tôm hay mì ăn liền là một món ăn tiện lợi và cơ bản như cơm, phở hay bánh mì. Cũng như các món ăn và thực phẩm khác, chính người dùng sẽ quyết định liều lượng, cách chế biến để đảm bảo bữa ăn đa dạng và cân bằng các nhóm chất phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cũng như năng lượng của cơ thể. Do đó, không có khái niệm thực phẩm tốt hay xấu mà chỉ có bữa ăn cân bằng và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể hay không? Đơn cử chúng ta có thể nhắc đến thịt bò, loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều Sắt, Vitamin B6, B12, kẽm và Kali, cũng bị cho là có hại nếu chúng ta ăn quá nhiều. Như vậy câu hỏi đặt ra, ăn mì tôm sao cho đúng và tốt? Hãy nghe lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng. Trung bình một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 40-40 g chất bột đường, 13-17 g chất béo và thường không ít hơn 6,9 g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15% -17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). Vì thế khi sử dụng mì ăn liền bạn nên bổ sung thêm chất đạm từ thịt, trứng, tôm,chất xơ và vitamin từ các loại rau. Khi ấy món ăn với mì ăn liền không chỉ dinh dưỡng mà còn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng, vào những lúc bận rộn không có thời gian bạn có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần, nhưng các bữa ăn sau có thể bổ sung thêm trái cây và ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
Mì tôm có lợi thế gì ?
Với ưu điểm được sản xuất công nghiệp qua công nghệ, quy trình kỹ thuật hiện đại, sản phẩm mì ăn liền luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đồng nhất và ổn định, có thể bảo quản một cách dễ dàng trong một thời gian dài lại dễ dàng sử dụng, chế biến. Cũng vì thế mà mì ăn liền được sử dụng nhiều trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Theo đó, cứ mỗi đợt thiên tai, bão lũ, càn quét, trên các nẻo đường, những chuyến xe cứu trợ mang theo những thùng mì chứa chan tình yêu thương, tấm lòng chia sẻ của cả nước tới đồng bào miền lũ. Không chỉ tại Việt Nam, mì ăn liền cũng là món ăn cứu trợ của hàng triệu triệu người dân trên Thế giới, sau mỗi đợt thiên tai dịch họa như động đất, núi lửa, bão lũ. Mì ăn liền cũng trở thành thực phẩm dự trữ của nhiều quốc gia mang theo mình “nhiệm vụ” tiếp tế, cứu trợ.