Ngoại trưởng hai nước tươi cười trước khi bước vào cuộc đàm phán. Ảnh: Reuters.
Trước khi cuộc gặp diễn ra, các chuyên gia quốc tế nhận định, cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng hai nước ngoài việc xây dựng quan hệ còn có tác dụng giúp Pakistan tập trung nguồn lực nhằm hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban tại Afghanistan.
Tuy nhiên, không nhiều chuyên gia nhận định sẽ có “bước đột phá” trong cuộc gặp lần này giữa hai cường quốc hạt nhân của khu vực Nam Á, nhất là khi còn có quá nhiều khúc mắc giữa hai bên.
Trước khi bước vào phòng họp kín, Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao và người đồng nhiệm Pakistan Salman Bashir đều nở những nụ cường rất tươi với phóng viên. “Chúng tôi sẽ làm việc với thái độ xây dựng nhất”, ông Bashir nói.
Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Palaniappan Chidambaram khẳng định, ông “không quá lạc quan” về cuộc đàm phán lần này.
Theo ông Chidambaram, Ấn Độ sẽ yêu cầu Pakistan cho tiếp cận các thông tin về vụ tấn công khủng bố tại Mumbai, nhằm bắt giữ phiến quân và phá tan mạng lưới của chúng bên trong lãnh thổ. Trong khi đó, Pakistan, nhiều khả năng, sẽ đưa vấn đề tranh chấp Kashmir lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán.
“Có thể không đạt được kết quả nào nhưng ít nhất chúng tôi đã nỗ lực đàm phán và nêu ra những vấn đề trọng tâm cần tập trung”, ông Chidambaram nói.
Trong cuộc đàm phán lần này, Mỹ chính là nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất tiến trình hòa bình giữa Ấn Độ - Pakistan với mong muốn Islamabad sẽ giảm chú ý vấn đề biên giới với nước láng giềng để tập trung vào cuộc chiến chống Taliban.
Linh Huy
Theo AP, Reuters