Trong số hơn 20 doanh nghiệp quốc phòng Ấn Độ tháp tùng đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, có nhiều cái tên nổi bật như: Bharat Forge trong lĩnh vực chế tạo hệ thống pháo, xe chống đạn, đạn, tên lửa, radar và hệ thống điện tử quốc phòng; Hal chuyên về lĩnh vực máy bay chiến đấu, trực thăng, hệ thống hỗ trợ, bảo dưỡng máy bay dòng SU; Goa Shipyard về đóng tàu hải quân, cảnh sát biển và biên phòng; L&T với những lĩnh vực thế mạnh là nâng cấp hệ thống vũ khí, đóng tàu, sen-xơ và hệ thống thông tin liên lạc; Tata advances Systems chuyên về radar, chỉ huy điều khiển, máy bay không người lái…
Ngoài ra, còn hàng loạt các lĩnh vực liên quan cũng được giới thiệu như tuần thám, hệ thống cơ khí quốc phòng, sản xuất vũ khí hải, lục, không quân, hàng không vũ trụ…
Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp quốc phòng hai nước có sự tham gia của nhiều quan chức quốc phòng hai bên.
Trong dịp này, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã chứng kiến đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao Hồ sơ yêu cầu gói thầu thực hiện dự án đóng tàu tuần tra cao tốc sử dụng gói tín dụng 100 triệu USD cho đại diện công ty L&T của Ấn Độ.
Tại cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp quốc phòng hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrika đã khẳng định với các quan chức và doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam rằng Ấn Độ có những thế mạnh trong phát triển nguồn nhân lực, hay các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ mới.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao Hồ sơ yêu cầu gói thầu thực hiện dự án đóng tàu tuần tra cao tốc sử dụng gói tín dụng 100 triệu USD cho đại diện công ty L&T của Ấn Độ.
“Chúng tôi rất quan tâm việc hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, lĩnh vực IT cho quân đội Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước thì các doanh nghiệp tư nhân của Ấn Độ nên có sự hiện diện tại Việt Nam để lập ra các liên doanh trong sản xuất công nghiệp quốc phòng”, ông Manohar Parrika nói.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đề nghị các doanh nghiệp hai bên cần chủ động cung cấp thông tin giới thiệu về năng lực, các lĩnh vực có thế mạnh nhằm tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai.
Đồng thời đưa ra những khuyến nghị với Bộ Quốc phòng và Chính phủ hai nước về các biện pháp để xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn trong khuôn khổ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
“Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và sẵn sàng là cầu nối để Ấn Độ kết nối những mạng lưới hợp tác với khu vực. Việt Nam và Ấn Độ ngày càng có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung cũng như thách thức chung, đòi hỏi chúng ta nỗ lực hơn nữa tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực ”, Tướng Vịnh nói.
Nhiều loại vũ khí, khí tài tân tiến đã được các doanh nghiệp quốc phòng Ấn Độ giới thiệu tại Việt Nam.