Ấn định thượng đỉnh Mỹ- Triều: Thắng lợi lớn cho Triều Tiên

TP - Thông tin từ Nhà Trắng ngày 4/6 (giờ Mỹ), ông Donald Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau lúc 9 giờ 12/6 tại Singapore.
Ông Kim Jong-un có cách tiếp cận mới so với cha và ông trong quan hệ với Mỹ. Ảnh: CNN.

Như vậy là sau nhiều diễn biến khó lường, cuộc họp thượng đỉnh đã được ấn định. Các nhà phân tích nhận định, cuộc đàm phán này sẽ có lợi cho Triều Tiên về mọi mặt.

Theo CNN, cuộc gặp gỡ này là giấc mơ hơn hai thập kỷ qua mà hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm của  Triều Tiên mong muốn nhưng chưa thực hiện được. Mặc dù trong các cuộc đàm phán và tranh luận, hai bên vẫn có những bất đồng về những nhượng bộ mà Triều Tiên có thể nhận được từ phía Mỹ để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa cũng như việc từ bỏ các chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến mức nào, nhưng theo các chuyên gia,  bản thân cuộc đàm phán đã là một thắng lợi cho phía Triều Tiên.

Ông Jean H. Lee, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại trung tâm Wilson tại Mỹ bình luận: “ Có một cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ là điều mà nhiều nước mong muốn. Nhưng đối với Triều Tiên, một quốc gia nhỏ bé, về mặt kỹ thuật vẫn đang có chiến tranh với Mỹ, việc nguyên thủ nước này ngồi cùng bàn với một tổng thống Mỹ đã là một  thắng lợi lớn”.

Vị thế của Triều Tiên được nâng cao

Chỉ 5 tháng trước đây, Triều Tiên vẫn bị cô lập và phải đón nhận những đòn trừng phạt mạnh mẽ kể từ vụ ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị ám toán. Thế nhưng, cuộc gặp với đương kim tổng thống Mỹ đã nâng cao vị thế của Triều Tiên lên rất nhiều. Ông Jim Hoare, cựu tùy viên Đại sứ quán Anh tại Triều Tiên nhận định: “Cuộc gặp gỡ này đã nói lên nhiều điều: Chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia, chấp nhận nhà lãnh đạo của Triều Tiên đạt tầm cỡ thế giới”.

Các thành viên trong gia đình họ Kim đã từng gặp gỡ tổng thống Mỹ, nhưng thường là những người đã hết nhiệm kỳ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã gặp gỡ ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), ông nội của ông Kim Jong-un, vào năm 1994. Cựu tổng thống Bill Clinton đã gặp ông Kim Jong Il, bố của ông Kim Jong-un vào năm 2009 khi ông Clinton đã rời nhiệm sở. Lúc đương nhiệm, ông Clinton đã  lên kế hoạch gặp ông Kim Jong Il vào năm 2000, tuy nhiên đến phút chót, tổng thống Mỹ quyết định cử ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Madeleine Albright tới Triều Tiên. Mới đây, bà Albright tiết lộ rằng, ông Clinton nói, ông cảm thấy chưa sẵn sàng nên đã cử ngoại trưởng đi thay.

Củng cố luật chơi của mình

Các chuyên gia nhận định rằng, chỉ cần cuộc họp thượng đỉnh diễn ra, Triều Tiên đã được lợi rất nhiều. Trước hết, sự an toàn của chế độ được đảm bảo. Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh. Do đó bất kỳ hiệp ước hòa bình nào với Hàn Quốc và các lợi ích mang lại đều phải được Washington phê chuẩn. Ông Hoare nói: “ Có một niềm tin mạnh mẽ ở Triều Tiên rằng, chỉ cần Mỹ thôi thù địch với Triều Tiên là Triều Tiên sẽ được an toàn, không ai dám can thiệp”.

Không chỉ thế, các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Triều Tiên được dỡ bỏ sẽ đem lại cho Bình Nhưỡng một nguồn thu nhập lớn, nhất là từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô.

Theo Yonhap, ngày 4/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiêm Kim Jong-un đã ấn định gặp gỡ vào lúc 9g sáng 12/6 tại Singapore. Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Sarah Sanders cho biết,  các công việc chuẩn bị hậu cần đã đi vào giai đoạn cuối. Bà cũng cho biết, phái doàn Mỹ do đại sứ Sung Kim dẫn đầu đã đạt được những kết quả tích cực sau đàm phán với các quan chức Triều Tiên.  Bà Sanders khẳng định, Mỹ vẫn không từ bỏ chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Triều Tiên.