Tiền Phong nhận được đơn của bà Lê Thị Thủy, trú tại Khu hành chính 5, phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), phản ánh việc chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo hai bản án đã bị TAND Tối cao tuyên hủy toàn bộ để xét xử lại.
Hủy án để xét xử lại
Nguyên bà Thủy có tranh chấp vay nợ với bà Lê Thị Kim Dung (cùng trú tại TP Vĩnh Yên), dẫn đến bà Dung khởi kiện bà Thủy ra Tòa. Tại phiên sơ thẩm do TAND TP Vĩnh Yên xét xử, bà Thủy trình bày: Bà Thủy chỉ vay hộ, người thực sự vay tiền bà Dung là bà Sái Thị Tuyết Nhung (cùng trú tại TP Vĩnh Yên); bà Thủy trình ra một số văn tự cho thấy bà Nhung đã ghi nhận nợ với bà Dung.
Trình bày của bà Thủy không được chấp nhận. Án sơ thẩm tuyên bà Thủy phải trả bà Dung 230 triệu đồng gốc và lãi phát sinh. Bà Thủy chống án. Tại phiên phúc thẩm do TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử, luật sư của bà Thủy đề nghị đưa thêm bà Nhung tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, song không được chấp nhận. Án phúc thẩm giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.
Bà Thủy tiếp tục khiếu nại. Ngày 8/3/2013, Chánh án TAND Tối cao ra Kháng nghị, và ngày 18/9/2013, Tòa dân sự TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ hai bản án của TAND TP Vĩnh Yên và TAND tỉnh Vĩnh Phúc, giao hồ sơ cho TAND TP Vĩnh Yên xét xử lại, theo hướng phải đưa thêm bà Nhung và một người nữa (chồng bà Dung) tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trước khi TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm nêu trên, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP Vĩnh Yên đã kê biên một thửa đất đứng tên bà Thủy và chồng bà Thủy rồi bán đấu giá, người mua là ông Nguyễn Anh Tân (cùng trú tại TP Vĩnh Yên). Quá trình kê biên, bán đấu giá, do đang khiếu nại giám đốc thẩm, vợ chồng bà Thủy không hợp tác với cơ quan THADS.
Vẫn “cưỡng chế thi hành án”?
Ngày 20/12/2013 (hơn ba tháng sau khi TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm), chấp hành viên Vũ Thành Đông của Chi cục THADS TP Vĩnh Yên ra Quyết định “cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất”. Quyết định này căn cứ hai bản án đã bị hủy toàn bộ, mà không nhắc tới quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao, dẫn đến việc đương sự trong vụ án và nhiều cán bộ địa phương không đồng tình.
Theo quyết định cưỡng chế nêu trên, ngày 26/12/2013, Chi cục THADS TP Vĩnh Yên sẽ cưỡng chế bàn giao thửa đất đã bán đấu giá cho ông Tân. Câu hỏi lớn đặt ra trong vụ việc này: Khi bản án của Tòa án cấp dưới bị Tòa án cấp trên tuyên hủy mà việc thi hành án đã diễn ra một phần hoặc đã xong, thì quyền lợi của những người liên quan giải quyết thế nào?
Vấn đề này được quy định tại Luật THADS. Điều 50 Luật THADS quy định khi bản án bị hủy thì thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án. Điều 135 Luật THADS quy định, nếu bản án đã được thi hành một phần hoặc thi hành xong mà bị hủy, các đương sự phải thỏa thuận trả lại hoặc phục hồi quyền tài sản cho nhau. Nếu họ không tự thỏa thuận được, cơ quan THADS phải cưỡng chế thực hiện (điều luật này cũng quy định, nếu có phát sinh thiệt hại, Tòa án đã ra bản án bị hủy có trách nhiệm giải quyết theo luật định).