Tại sao mùa đông hay bị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng là căn bệnh vùng miệng vô cùng phổ biến mà hầu hết ai cũng có 1 lần mắc trong đời. Không chỉ diễn ra vào mùa hè mà mùa đông bệnh cũng vẫn hình thành và phát triển.
Vào mùa đông việc vệ sinh răng miệng cũng có phần lơ là do thời tiết quá lạnh, chúng ta ngại đụng vào nước. Việc đánh răng không đúng cách, đánh răng quá nhanh dễ dẫn đến việc răng bị sâu, viêm quanh răng hoặc nhiễm khuẩn lợi. Lúc đầu chúng chỉ là 1 – 2 vết loét sưng đỏ gây đau nhức khó chịu nhưng nếu không được điều trị kịp thời chúng sẽ tăng cả về số lượng cũng như mức độ loét và cứ hết đợt bệnh này, đợt bệnh khác lại tiếp diễn.
Nhiệt miệng là một tổn thương ở niêm mạc miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như răng sâu, viêm quanh răng, sang chấn từ bên ngoài, hoặc nhiễm khuẩn… Người bệnh thường có biểu hiện khoang miệng xuất hiện vết loét đỏ, sưng, đau gây khó chịu khi ăn uống, giao tiếp. Theo thống kê, khoảng 20-40% dân số gặp ít nhất mắc một lần trong đời, nhiều người có thể bị tái phát. Đặc biệt, vào mùa đông, khi chúng ta sử dụng nhiều thức ăn cay, nóng, bệnh này càng có cơ hội để phát triển.
Bác sĩ Quang Trung cho biết khi bị nhẹ, chúng ta chỉ cần vệ sinh, súc miệng nước muối nhạt (pha muối với nước sôi để nguội và nếm thấy vị mặn hơn nước canh), hoặc sử dụng dung dịch natri clorid 0,9%, tăng cường sức đề kháng, bổ sung vitamin nhóm B.
Khi niêm mạc vùng tổn thương chuyển sang màu trắng và đỡ đau là lúc bệnh bắt đầu giảm. Nhiệt miệng có thể khỏi trong vòng 10 ngày.
Dù nhiệt miệng không có loại thuốc nào chữa khỏi nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh. Bác sĩ Khánh Ngọc tư vấn người bệnh có thể sử dụng một số thuốc như Nitrate bạc, Debacterol, kem bôi có chứa triamcinolone acetonide, Amlexanox, dung dịch tetracyclin dùng súc miệng, Gel lidocain 2%.
Đối với trường hợp nhiệt miệng tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không khỏi có kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, sưng thành đám cứng, chảy máu, bác sĩ khuyên nên khám chuyên khoa răng - hàm - mặt để xác định nguyên nhân và có cách chữa trị cụ thể.
Để hạn chế nhiệt miệng, các chuyên gia đều khuyên cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung những thực phẩm thanh mát, giàu vitamin, khoáng chất và tránh những thực phẩm cay nóng, chiên rán.
Ngoài ra, việc duy trì thói quen uống nước thường xuyên, hạn chế bia, rượu, cà phê, thuốc lá cũng khiến tổn thương do loét miệng nhanh lành, không xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Cách hay xử lý nhiệt miệng mùa đông
Bác sĩ Quang Trung tư vấn người bị nhiệt miệng không cần quá lo lắng, chỉ cần vệ sinh, súc miệng với nước muối loãng để tăng cường đề kháng và bổ sung thêm 1 số loại vitamin, nhiệt miệng sẽ được thổi bay nhanh chóng.
Ngoài ra, 1 vài mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi bị nhiệt miệng hỏi thăm vào mùa đông:
- Chè tươi: Nước sắc lá chè không chỉ giúp cơ thể thanh nhiệt giải độc mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, bảo vệ răng miệng rất hiệu quả.
- Bột sắn dây: Với những người thường xuyên bị nhiệt miệng do nóng trong thì bột sắn dây thực sự là 1 cứu cánh. Vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần pha bột sắn dây vào nước ấm khuấy đều lên và uống. Có thể cho thêm 1 chút đường nhưng tuyệt đối không được uống bột sắn cùng mật ong.
- Cà chua: lượng vitamin các loại dồi dào trong cà chua sẽ giúp lớp niêm mạc bị tổn thương nhanh liền đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bạn có thể ăn sống hay bỏ hạt và ép chúng lấy nước uống.
Khi niêm mạc vùng tổn thương chuyển sang màu trắng và đỡ đau cũng là lúc bệnh bắt đầu giảm. Thông thường, nhiệt miệng sẽ tự khỏi trong vòng 10 ngày. Nếu đau nhức kéo dài liên tục hoặc nhiệt miệng cứ mọc đi mọc lại ở 1 vị trí, bạn hãy đi thăm khám chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời nhé.