Theo số liệu do VFF cung cấp, vé xem trận đấu Việt Nam-Malaysia ngày 16/11 tới được bán qua 3 kênh: theo đường công văn, online và bán trực tiếp tại các quầy vé ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Trong đó vé bán qua đường công văn là 11.000, bán trực tiếp 9.000 và gần 4.000 vé bán qua mạng online. Số lượng còn lại được VFF sử dụng làm vé mời, trả quyền lợi cho các nhà tài trợ và cả đối tác của AFF.
Trong những ngày qua, cảnh tượng người hâm mộ chen lấn, xô đẩy nhau để mua vé tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã gây nên nhiều ý kiến khác nhau. Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Trương Anh Ngọc (TTX Việt Nam) cho rằng, chẳng có mấy quốc gia chỉ bán 1/4 số lượng vé cho người hâm mộ, trong khi dành phần lớn để bán qua công văn. Ở World Cup 2018, BTC nước chủ nhà Nga đã triển khai rất tốt cách thức bán vé qua mạng. Người mua sau khi đăng ký trên mạng, thanh toán tiền sẽ được chuyển vé, cấp mã để đăng ký FAN ID.Trương Anh Ngọc cho biết, anh phản đối cách thức bán vé qua đường công văn, bởi đây là tư duy quan hệ kiểu bao cấp.
Thống kê của VFF, trong đợt bán vé vừa qua, đã có khoảng 800 công văn của các đơn vị cả nhà nước và tư nhân đăng ký, với số lượng vé đặt mua lên tới hơn 40.000 chiếc, vượt quá cả sức chứa của sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Trong bối cảnh người hâm mộ phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ bất chấp thời tiết xấu hay tốt, nhiều người lại thảnh thơi mua vé thì liệu có công bằng? Chưa kể, cách thức bán vé hiện nay dễ tạo cơ hội để nảy sinh tiêu cực khi các con số luôn không rõ ràng, và VFF cũng chưa bao giờ công khai chi tiết số lượng các loại.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì để thay đổi thực trạng “khổ vì vé” hiện nay, chỉ mình VFF là khó có thể giải quyết nổi. Một quan chức VFF chia sẻ, nếu không giữ lại số lượng vé nhất định thì “VFF chết trước”. Lý do bởi rất nhiều đơn vị, lãnh đạo cấp cao đòi hỏi mua hoặc đăng ký vé số lượng lớn. Dù “lớn gan” tới mấy, VFF cũng khó có thể từ chối. Chỉ đơn cử ngay như Khu LHTTQG Mỹ Đình trước đây, ở các sự kiện lớn của đội tuyển Việt Nam tại đây, lãnh đạo Mỹ Đình đều đòi ít là 500 hoặc nhiều hơn có khi cả nghìn vé VIP.
Nhiều hội CĐV bóng đá cũng gửi công văn yêu cầu VFF phải ưu đãi cho mua vé thay vì xếp hàng mua như những người hâm mộ bình thường khác. Thậm chí cá biệt mới đây, đã có những CĐV khá tên tuổi trong làng bóng đá đến trụ sở VFF yêu cầu được mua vé để đổi lại việc không đốt pháo sáng ở trận đấu của đội tuyển Việt Nam.
Không khó để có thể thấy, ngoài những CĐV bóng đá thực sự thì một bộ phận khá đông những người chen lấn, xô đẩy nhau mua vé tại sân Mỹ Đình vừa qua là “phe vé”. Liệu có thể tin rằng các quan chức của chúng ta hay người của nhiều đơn vị chịu xếp hàng mua vé như những người hâm mộ bình thường, hoặc “hiện đại” hơn, đăng ký mua vé qua mạng khi VFF thực hiện bán vé qua đường online?
Các phóng viên thể thao đã trải nghiệm một thực tế, khá nhiều người chỉ trích cách bán vé hiện nay của VFF, nhưng bên cạnh đó lại nhờ cậy để sở hữu được một hoặc vài cặp vé xem trận đấu của đội tuyển Việt Nam mà không phải xếp hàng.
Nhắc chuyện này để thấy, thay đổi cách thức mua bán vé hiện nay, chỉ VFF thôi là khó có thể thực hiện được. Trước mắt, VFF có thể vẫn chưa thể bỏ hoàn toàn các phương thức bán vé truyền thống, nhưng chắc chắn số lượng vé bán qua kênh online cần tăng lên. Đây có lẽ là phương án khả thi nhất hiện nay.