Ai giám sát VPF?

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) là bước ngoặt lịch sử của bóng đá VN, nhưng để bước ngoặt đó đem lại những hiệu quả to lớn, VFF và các ông bầu cũng cần phải lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.
Ông Phạm Ngọc Viễn (trái) cho rằng VPF phải nằm trong tầm kiểm soát của VFF - Ảnh: Bạch Dương

 > Xem lại hợp đồng với AVG, đôi bên có lợi

Ông Phạm Ngọc Viễn (trái) cho rằng VPF phải nằm trong tầm kiểm soát của VFF - Ảnh: Bạch Dương.

Cần có Ban kiểm tra giám sát VPF

Trong Ngân hàng Thương mại cổ phần Á châu (ACB) đang làm ăn rất phát đạt mà ông Nguyễn Đức Kiên giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) có một bộ phận rất quan trọng mang tên Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ. Tương tự, Công ty VPF mà ông Kiên là người chấp bút soạn thảo, cũng cần có ban này nhằm mục đích giám sát tất cả các hoạt động nội bộ của VPF.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên cách đây 2 ngày, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN (ông Kiêm nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN) đã đặt ra vấn đề rất đáng để tham khảo: “Khi chuyển sang cổ phần hoàn toàn, quyền quyết định phần lớn thuộc về các ông bầu có tiền. Nếu có sự thông đồng, méo mó, tiêu cực còn lớn và khó giải quyết hơn.

Có một điều cần xác định sớm, đã là kinh doanh thuần túy vì lợi ích vẫn sẽ có sự bắt tay nhau. Nếu VPF nặng về kinh doanh chạy theo lợi nhuận quá, nảy ra vấn đề mới. Khắc phục được cái này nhưng có thể sẽ sinh ra cái khác trầm trọng hơn”.

Do đó, nếu có Ban giám sát nội bộ, ban này sẽ có nhiệm vụ giám sát hoạt động và việc tuân thủ theo quy định của pháp luật, điều lệ của HĐQT, tổng giám đốc, hoạt động của 7 ban (thi đấu, tiếp thị tài trợ, đào tạo trẻ, pháp chế, tài chính kế toán, trọng tài, kỷ luật), Ủy ban đạo đức, chỉ đạo công tác kiểm toán nội bộ VPF, thẩm định tài chính và báo cáo Hội đồng cổ đông.

Trong đề án thành lập VPF, bầu Kiên cũng đã đề cập đến ban giám sát song cũng chưa nói rõ thành phần sẽ “dẫn dắt” ban này. Theo chúng tôi, Ban giám sát nội bộ VPF nên quy tụ những người có uy tín và nên chăng có đại diện của Bộ Công an, của giới truyền thông và phải trung lập, không có bất kỳ mối quan hệ nào với các CLB, và tất nhiên không phải là thành viên VFF.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, Công ty VPF thời gian đầu có thể gặp khó khăn nhưng sau này sẽ là công ty siêu lợi nhuận. Vì vậy, ban kiểm soát sẽ giúp tránh được những bất trắc, rủi ro có thể xảy ra và làm nâng uy tín của VPF.

“Liên minh” từng nhóm ông bầu sẽ tàn phá giải

Hiện tại, sự tranh chấp tên gọi CLB Hà Nội (chưa được giải quyết) và việc ông Nguyễn Đức Kiên có được chữ ký của Công Vinh đã làm nảy sinh “cuộc chiến” thầm lặng nhưng khá quyết liệt giữa bầu Kiên và bầu Hiển của Hà Nội T&T.

Từ sự việc này, dư luận lại bất an đặt ra câu hỏi: Liệu có xảy ra cuộc chiến quyết liệt hơn giữa “liên minh” của bầu Kiên cùng những người bạn và “liên minh” của bầu Hiển? Không có mặt tại Hội nghị chủ tịch các CLB, mấy ngày qua, bầu Hiển chưa có chút động thái nào về đề án mô hình VPF.

Hôm qua, một quan chức trong ngành thể thao đã bày tỏ quan ngại, nếu các ông bầu không thực sự đoàn kết thì VPF cũng sẽ khó thành công như kỳ vọng. Còn ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF nói: “Đúng là nên đặt ra tất cả những tình huống xấu nhất để đề phòng. Chúng tôi cũng rất lo ngại, các CLB chia bè phái rồi khi bước vào mùa giải sẽ xảy ra chuyện đè đội này, nâng đội kia. Nhưng tất nhiên, Công ty VPF vẫn nằm trong tầm kiểm soát của VFF chứ chúng tôi không phó mặc cho các ông bầu vì VFF vẫn là cơ quan đại diện của bóng đá VN trước pháp luật. VFF phải chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Các ông bầu có thể liên kết về mặt kinh tế để giúp VPF làm ăn thịnh vượng chứ không thể liên kết về chuyên môn. Nếu như vậy sẽ tàn phá giải đấu”.

Ông Viễn cho biết: “Trong Hội nghị các chủ tịch CLB, các đội bóng cũng đã cam kết sẽ làm bóng đá sạch vì tương lai chất lượng bóng đá VN. Bóng đá sạch nghĩa là sử dụng đồng tiền sạch và không bắt tay nhau theo hướng tiêu cực”. Ông Viễn nói tiếp, VPF sẽ minh bạch hóa bóng đá VN nhưng bản thân VPF cũng cần minh bạch mọi thứ, trong đó quan trọng nhất là minh bạch về tài chính, thậm chí công khai cho công chúng”.

Ý kiến bạn đọc

Một số công ty dược phẩm trong nước mời người nước ngoài làm CEO điều hành để khỏi đưa con em, cháu chắt, người quen vào... Theo tôi, trong bóng đá ta nên thử thuê CEO người Ấn Độ hoặc Singapore làm chức danh này để khỏi sợ tiêu cực nữa. Hy Phạm (phamtienhynt@gmail.com)

Chọn nhân tài để điều hành VPF chẳng gì là khó cả, chỉ cần đăng thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa ra các tiêu chí tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ theo tiêu chí, lựa chọn các hồ sơ tốt rồi tổ chức phỏng vấn tuyển chọn... Nhân tài Việt Nam có mà đầy! Suy nghĩ như ông Viễn không thể chấp nhận được, đã cải tổ là làm cho tới, cho tốt, đừng làm nửa vời ông Viễn ạ! Van (peter_vh06@gmail.com)

VFF không nên buông, đó là điều tôi muốn nói ra. VFF là cơ quan nhà nước quản lý để đảm bảo sự công bằng. Các doanh nghiệp là người đá bóng, VFF phải là người cầm còi. Khi trọng tài thổi trận đấu giữa 2 đội bóng doanh nghiệp, sẽ có những tình huống 50-50, lúc đó trọng tài cần phải có sự công tâm, không nên thổi vì sợ các đại gia, mà phải thổi chính xác vì sợ VFF. Dù sao các doanh nghiệp khi tham gia thi đấu sẽ có sự đụng độ và nảy sinh các quyền lợi cá nhân ngoài ý muốn và VFF phải luôn tỉnh táo để nhận ra điều đó. Vinh (vinhmt04@yahoo.com)

Theo Lan Phương
Thanh Niên

Theo Đăng lại