Ai gây tai nạn?

TP - Tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, cả hai người đều bất tỉnh. Họ được đưa đi cấp cứu. Sau khi một người chết, người kia bị quy gây ra tai nạn. Ông ta bị truy tố, ra tòa lãnh bản án 15 tháng tù.

Tai nạn giao thông luôn để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Ảnh: Minh Thùy

Người đàn ông được xác định đã gây ra vụ TNGT nghiêm trọng là ông Thiềm Bửu Giang, sinh năm 1967, trú tại thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, Hải Dương. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, ông Thiềm có đơn kêu cứu gửi tới báo Tiền Phong, cho rằng ông bị oan.

Một người chết, người kia lĩnh án

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vụ TNGT xảy ra vào khoảng 17h15’ ngày 24/11/2007, trên QL5A, đoạn đi qua địa phận xã Nam Đồng, huyện Nam Sách, Hải Dương.

Sau khi tai nạn xảy ra, ông Giang bị bất tỉnh. Người thứ hai cũng bị bất tỉnh là ông Đặng Quang Thiêm, sinh năm 1967, trú tại thôn Phú Lương, xã Nam Đồng, cùng huyện Nam Sách. Cả hai được đi cấp cứu, song ông Thiêm bị chấn thương sọ não quá nặng, đã mất lúc 3h29’ ngày 26/11/2007.

Hiện trường để lại một chiếc xe máy được xác định của ông Giang, một chiếc xe đạp được xác định của ông Thiêm. Cả hai chiếc xe đều bị hư hỏng, và để lại nhiều dấu vết về vụ TNGT.

Kết thúc điều tra, Công an huyện Nam Sách kết luận: Lúc xảy ra tai nạn trời đã nhập nhoạng tối; do tránh một người đi xe máy ngược chiều chiếu đèn chói mắt, ông Giang đã để xe máy đâm vào phía sau xe đạp ông Thiêm (đi cùng chiều, phía trước), hậu quả ông Thiêm bị chết.

Ngày 31/3/2008, TAND huyện Nam Sách mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Thiềm Bửu Giang về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Xét ông Giang đã tự nguyện bồi thường thiệt hại đầy đủ cho gia đình ông Thiêm, bản thân ông Giang đã ly dị vợ, nuôi hai con nhỏ và một mẹ già, tòa cho ông Giang được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt 15 tháng tù giam.

Dấu hiệu oan khuất

Phía bên trái xe máy của ông Giang có các dấu vết: “Mặt trên đầu cần số phía trước có vết va quệt mài mòn kim loại, kích thước 0,8 x 0,3cm, hướng trước lại sau, làm mặt dưới thanh kim loại cần số bật mối hàn 1,5cm.

Đầu mút phía trước giá để chân người lái bên trái bị vỡ cao su lộ lõi kim loại, làm đầu lõi bị mài mòn, kích thước 4 x 2,5cm, đẩy giá để chân ngược lại phía sau 7cm so với vị trí ban đầu” (trích biên bản khám nghiệm phương tiện).

Trong bản kết luận điều tra, cáo trạng và bản án kết tội ông Giang, hoàn toàn bỏ qua không nêu cơ chế va chạm nào đã để lại những dấu vết này.

Khám nghiệm phương tiện cho thấy chiếc xe máy của ông Giang có đầu mút chắn bùn phía trước và hai cụm đèn xi nhan trước bị vỡ. Mặt trước đầu mút tay lái bên phải bị mài mòn cao su; mặt trước đầu mút tay phanh phía này cũng bị mài mòn. Giá để chân người lái bên phải bị đẩy lệch về phía sau 5cm, đầu mút bị vỡ cao su lộ kim loại. Giá để chân người ngồi sau cũng bị đẩy lùi về phía sau, đầu mút cũng bị mài mòn.

Dấu vết phía trước xe máy ông Giang phù hợp với vết va đập hướng từ phải sang trái trên vỏ hộp xích xe đạp ông Thiêm. Các vết mài mòn trên tay lái, trên giá để chân trước và sau xe máy ông Giang phù hợp với ba vết cày xước trên mặt đường.

Có lẽ, từ những sự phù hợp đó, người ta vội vã nhận định: Xe máy do ông Giang điều khiển đâm vào phía sau xe đạp ông Thiêm, khiến hai xe cùng đổ. Xe máy ngã về bên phải theo chiều di chuyển và để lại những vết cày xước trên mặt đường.

Tuy nhiên, với cơ chế trên, sẽ không ai giải thích được vì sao chiếc xe máy bị đổ về phía bên phải, lại có một số dấu vết khác cho thấy có sự va đập rất mạnh ở phía bên trái nó. Phải chăng, đã có một chiếc xe đi ngược chiều (nhiều khả năng là ô tô) đâm vào xe máy ông Giang, dẫn đến xe máy ông Giang đâm tiếp vào xe đạp ông Thiêm, và tai nạn xảy ra?

Uẩn khúc này chỉ có thể được giải đáp khi vụ án được kháng nghị để điều tra và xét xử lại.