Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Tình hình tốt lên thì điều quan trọng là nhất định không được chủ quan”.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, từ hôm nay (23/4), nhiều địa phương sẽ được “nới lỏng” khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đi vào hoạt động, học sinh cũng chuẩn bị đi học trở lại, lúc này toàn dân không chỉ tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc 4 an toàn, mà thậm chí là 5 an toàn, mới đảm bảo phòng dịch.
Theo đó, người dân tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang vì đeo khẩu trang là việc quan trọng nhất trong phòng chống các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Tiếp tục duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2 mét, không nên tụ tập đông người, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.
Đặc biệt cần khai báo y tế đầy đủ, nhất là khi có những triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, kể cả triệu chứng mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân… Khi khai báo, người dân sẽ được tư vấn, hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị, sàng lọc ca bệnh trong cộng đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, các hoạt động bình thường trở lại sẽ làm tăng những nơi tập trung đông người, nếu không quyết liệt thực hiện phòng bệnh dịch rất dễ bùng phát mạnh.
“Chúng ta cần đặc biệt chú ý vấn đề phòng dịch tại các khu ở tập trung của công nhân, các khu ký túc xá… là những nơi khó kiểm soát và dễ lây lan dịch bệnh. Vừa qua, Singapore đã để lại bài học khi chủ quan, đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư.
Bên cạnh đó, ở khu ký túc xá các trường trung học, đại học, việc ăn ở của các học sinh, sinh viên, phòng bệnh trong khu tập trung cũng phải đặt lên hàng đầu. Vì đây là môi trường rất dễ lây lan do khó thực hiện triệt để được khoảng cách giao tiếp của các học sinh ở nơi ở”, ông Phu khuyến cáo.