Lịch sử đấu tranh hào hùng của sinh viên Việt Nam
Trong giai đoạn 1925 - 1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời. Tổng Hội Sinh viên đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng.
Tự hào đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, thành lập và hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các chi bộ Đoàn, tổ chức Đoàn TNCS mà hầu hết đảng viên, đoàn viên đều là những đồng chí xuất thân từ học sinh, sinh viên, như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng tám 1945: “... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em...” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ học sinh, sinh viên nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng. Cùng với sự phát triển của phong trào sinh viên, phong trào học sinh các trường trung học ngoài Bắc, trong Nam cũng phát triển ngày càng mạnh bởi được ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chung do Mặt trận Việt Minh và các Đoàn thể cứu quốc hướng dẫn.
Từ năm 1947 đến 1949, ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đang dạng hơn. Cuộc đấu tranh của học sinh đã lan ra cả Đông Dương.
Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn -Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên (HSSV) các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho HSSV học tập, trả tự do cho những HSSV bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man, với sự hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Trong giai đoạn này, tổ chức Hội (Đoàn) học sinh, sinh viên kháng chiến được thành lập cả 3 miền Bắc, Trung, Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên không chỉ gây tiếng vang trong cả nước mà còn được sự ủng hộ và hưởng ứng của các tổ chức học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ trên thế giới.
Trong giai đoạn 1955-1993, học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt nổi bật là phong trào “Ba sẵn sàng” của sinh viên miền Bắc.
Sự lớn mạnh của Hội Sinh viên
Với những đặc điểm lich sử và tính chất đặc thù của tổ chức, năm 1994, Hội Sinh viên Việt Nam được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam, là nhịp cầu kết nối giữa sinh viên với Đảng, Nhà nước; là một lực lượng giáo dục quan trọng trong nhà trường, góp phần giáo dục, bồi dưỡng lớp HSSV mới “vừa hồng, vừa chuyên”.
Năm 2000, Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý “Huân chương độc lập hạng nhất”, năm 2005 được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” và năm 2010 được tặng thưởng “Huân chương Sao vàng”.
Hiện nay, Hội Sinh viên Việt Nam có 28 Hội Sinh viên cấp tỉnh, 44 tổ chức Hội Sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương, 8 Hội Sinh viên Việt Nam ở ngoài nước, với gần 1,4 triệu hội viên.
Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.
Tại ĐH Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khóa X.
Đại hội biểu thị quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2018 - 2023: “Xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc; chủ động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới; có đạo đức, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có tri thức, sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội, khát vọng vươn lên; tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và hội nhập quốc tế.
Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam thực sự vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đồng hành với sinh viên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, sinh viên; tập hợp, đoàn kết rộng rãi sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.