65 năm chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ: Trận đánh cuối cùng

TP - Trung đoàn 209 Ðại đoàn 312 chúng tôi bắt đầu hành quân lên Ðiện Biên Phủ ngày 15/12/1953. Ðơn vị trải qua gần 5 tháng lao động, chiến đấu cực kỳ gian khổ từ làm đường, đến kéo pháo, đào chiến hào, xây dựng trận địa dưới mưa bom, bão đạn của địch.
Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của quân đội nhân dân Việt Nam phất cao trên hầm De Castries, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược ở Ðông Dương

Và trong trận đánh cuối cùng của chiến dịch, Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: bắt sống Tướng De Castries và Bộ tham mưu của địch, kết thúc chiến dịch một cách vẻ vang.

Trận đánh cứ điểm 507 là trận đánh cuối cùng, có nhiều khó khăn phức tạp, đồng thời là chiến thắng oanh liệt nhất của trung đoàn 209. Trận đánh để lại những kỉ niệm sâu sắc đối với chúng tôi những người trực tiếp tham gia sự kiện vẻ vang này trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình.

Cứ điểm 507 là một vị trí trong cụm phòng ngự của địch gồm 506, 507, 508, 509 thuộc khu đề kháng trung tâm của địch đặt tên là Elian 10, tổ chức phòng ngự theo hình vòng tròn.

Cụm cứ điểm này dưới chân đồi A1, sát với cầu Mường Thanh bên tả ngạn sông Nậm Rốm để bảo vệ sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ của trung đoàn trong đợt tiến công thứ 3 của toàn chiến dịch là tiêu diệt cứ điểm 507 đồng thời phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt các cứ điểm còn lại trên dãy cao điểm phía đông là A1, C2.

Đợt tiến công này có sự chi viện mạnh mẽ của pháo binh, chiến dịch có thêm 12 dàn Hỏa tiễn 6 nòng (H6).

20 giờ ngày 6/5/1954 pháo binh trút bao lửa xuống các cứ điểm của địch ở trung tâm Mường Thanh. Lần đầu Hỏa tiễn của ta xuất hiện chúng tôi được lệnh tất cả đều phải rút quân dưới giao thông hào.

Tiếng rít của Hỏa tiến rào rào qua đầu cùng với tiếng nổ rền vang của các loại pháo của ta trút xuống đầu thù khiến chúng tôi vui mừng hò reo.

Đồng thời lúc đó quả bộc phá 1.000kg dưới lòng đất đồi A1 phát nổ.

Tiểu đoàn 130 của trung đoàn là mũi xung kích chủ yếu đột phá vào cứ điểm 507 dưới sự yểm trợ của các loại pháo, cối và hỏa lực bắn thẳng của trung đoàn.

Đội bộc phá đã liên tục phá nhiều hàng rào, nhưng vẫn chưa thể xung phong được vì vẫn còn hàng rào trước cửa mở. Chiều tối hôm trước địch đã cho rải thêm lớp hàng rào bùng nhùng phía trước nên bộc phá nổ nhưng hàng rào dây thép gai bùng nhùng không đứt được.

Các khẩu đại liên, trung liên pháo cối của địch bắn sát vào khu vực cửa mở của ta. Đại đội 363 bị thương vong không thể tiếp tục xung phong. Chiến sĩ thi đua Trần Can, trung đội trưởng lên thay thế đại đội trưởng, nhưng anh đã trúng đạn và hy sinh tại cửa mở. Anh là người cầm lá cờ đầu tiên ở Điện Biên Phủ trong trận chiến thắng Him Lam. Chúng tôi vô cùng xúc động khi được tin Trần Can hy sinh, một cán bộ vô cùng gan dạ và linh hoạt.

Trời gần sáng, thấy tình hình khó khăn trung đoàn trưởng Hoàng Cầm lệnh cho đơn vị ngừng tiến công, giữ vững trận địa và chờ lệnh. Đồng chí Trần Quân Lập chính ủy, Bí thư Đảng ủy trung đoàn triệu tập các đảng ủy viên đến sở chỉ huy hội ý.

Sau khi cân nhắc, phân tích tình hình, khả năng chiến đấu của trung đoàn vẫn có thể giành thắng lợi nếu đánh ban ngày.

Được tham dự cuộc họp ấy, tôi không ngờ quyết định của Đảng ủy lại có ý nghĩa to lớn đến chiến thắng lịch sử của trung đoàn trong trận đánh cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên khi báo cáo quyết tâm lên cấp trên, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chưa chấp thuận, lệnh cho trung đoàn củng cố lực lượng chờ lệnh tổng tiến công toàn mặt trận.

Lãnh đạo và chỉ huy trung đoàn tiếp tục trao đổi ý kiến, xin cấp trên cho đơn vị tiến công ban ngày, không phải vì cay cú, do chưa hoàn thành nhiệm vụ đêm trước mà vì địch ở cứ điểm 507 đã suy yếu, thời điểm đó, quân địch ở A1, C2 đã bị tiêu diệt nên hoang mang lo sợ.

Đại đoàn trưởng sau khi nghe báo cáo đã xin chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tư lệnh chiến dịch. Tư lệnh chiến dịch chuẩn y và cho pháo binh chi viện cho trận đánh - Đại đoàn lệnh cho Trung đoàn 209 tiến công vào 14 giờ ngày 7/5/1954, có sự chi viện hỏa lực của trung đoàn 165 từ cứ điểm 506. Nhận được lệnh, toàn trung đoàn phấn khởi chuẩn bị cho trận đánh ban ngày lần đầu tiên trong chiến dịch.

Đại đội 360 của tiểu đoàn 130 thay thế đại đội 363 làm nhiệm vụ xung kích chủ yếu.

Là đại đội thứ 3, ít khi nhận được nhiệm vụ chủ công, nay được đưa lên làm mũi tiến công chủ yếu nên cán bộ chiến sĩ rất phấn khởi, quyết tâm thi đua lập công, hoàn thành nhiệm vụ. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật là cán bộ tham gia trận Phủ Thông năm 1948, trận công kiên đầu tiên của quân đội ta có kinh nghiệm đánh công kiên.

Trong cuộc họp chi bộ, trước trận chiến đấu, đồng chí Tạ Quốc Luật đã hứa: “ không thắng trận này không về gặp trung đoàn”.

Sau khi đột nhập vào các chiến hào quân ta tỏa ra đánh các lô cốt, lần lượt tiêu diệt ở các ụ súng. Trước thế tiến công áp đảo của ta, số địch còn lại phất cờ trắng xin hàng. Trong khi ấy đài quan sát của trung đoàn phát hiện nhiều cờ trắng bên bờ sông Nậm Rốm. Cùng lúc đó trung đoàn nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh: “Không đợi trời tối, mở ngay cuộc tổng kích vào Mường Thanh”.

Thời cơ lớn đã đến

Sau khi làm chủ cứ điểm 567, Tạ Quốc Luật chủ động cho đơn vị tiến sang cứ điểm 509 sát đầu cầu Mường Thanh.

Anh lệnh cho trung đội trưởng Chu Văn Thê dẫn đơn vị vượt cầu phao sang phía hữu ngạn sông Nậm Rốm. Quân địch ở bên kia sông dùng đại liên và trọng liên 12,7 ly bắn dọc theo cầu sắt. Mũi tiến công của Chu Văn Thê ném lưu đạn, thủ pháo vào các ổ đè kháng của địch chúng bỏ chạy, chớp thời cơ Tạ quốc Luật dũng cảm dẫn đơn vị vượt qua cầu sắt và bắt được tên sĩ quan địch dẫn tới hầm De Castries.

Đó là khu vực có vòm sắt uốn cong bên trên có một cột ăngten trên nóc hầm. Khí thế tiến công mãnh lực, thừa thắng xông tới, quân ta hô vang: “ Bắt sống Tướng De Castries, mừng thọ Bác Hồ” và ta đã xông thẳng vào sở chỉ huy của địch.

Sau này Tạ Quốc Luật kể lại lúc bắt Tướng De Castries như sau: Khi chúng tôi tiến gần đến sở chỉ huy của địch, một tên sĩ quan Pháp lóp ngóp bò lên từ dưới hào và nói to: “ Chúng tôi đã thua trận, xin cho tôi được gặp sĩ quan chỉ huy”.

Tôi để đồng chí Lam và đồng chí Hiếu bịt cửa hầm phía bên kia, còn Nhỏ và Vinh vào cửa hầm phía bên này. Tôi dặn Nhỏ và Vinh tôi đi đầu, các đồng chí ở phía sau sẵn sàng yểm trợ cho tôi tiến vào hầm, nếu địch chống cự tôi sẽ né tránh sang một bên, các đồng chí dùng hỏa lực bắn quét ngay. Vào tới cửa hầm tôi hô to: “ Bỏ súng xuống”. Tất cả bọn sĩ quan đều giơ tay lên, riêng De Castries đang xé tài liệu -Tôi chĩa súng vào hắn và nói: “ Tại sao không giơ tay đầu hàng”.

De Castries vội giơ tay lên ngang vai, tôi lệnh cho tên sĩ quan khác dập tắt lửa khối tài liệu vừa đốt, rồi hô to: “ Tất cả các anh theo tôi”.

Tôi dẫn toàn bộ Bộ tham mưu của địch ra khỏi cửa hầm và áp tải chúng về Sở chỉ huy đến đầu cầu thì gặp Trung đoàn phó Thăng Bình, tôi báo cáo: Đã bắt được Tướng De Castries và toàn thể Bộ tham mưu của địch ở Điện Biên Phủ - lúc đó là 16 giờ 30 phút ngày 7/5/1954”.

Từ đầu cầu chính trị viên Tiểu đoàn 130 Trần Quải báo cáo về Sở chỉ huy Trung đoàn là ta đã bắt được De Castries.

Đồng chí Hoàng Cầm vội báo cáo lên Đại đoàn và lệnh đưa De Castries về Sở chỉ huy. De Castries mặc quân phục đeo lon cấp tướng cùng nhiều sĩ quan tham mưu, lục tục cúi đầu được dẫn giải về chỉ huy sở.

Khi chúng tôi đến hầm De Castries thì đã có nhiều cán bộ Trung đoàn, Tiểu đoàn của Đại đoàn 308 và 312 ở đó. Đèn điện trong hầm vẫn sáng. Tiếng phát điện vẫn âm vang các loại giấy tờ chai lọ, vứt bừa bãi, tung tóe khắp nơi. Tiếng súng đã lặng im từ lúc nào...   

Kéo pháo vào trận địa