> Ngô biến đổi gene có thể gây ung thư
> Có thể sản xuất đại trà ngô biến đổi gene trong năm nay
Phong trào phản đối mang tên March Against Monsanto (Tuần hành phản đối Monsanto) ở 436 thành phố bắt đầu cách đây vài tháng, khi Tami Canal, người sáng lập và tổ chức đợt biểu tình, lập trang Facebook ngày 28/2 để kêu gọi mọi người phản đối Monsanto, thu hút sự chú ý đối với hàng loạt đe dọa từ thực phẩm biến đổi gene (BĐG) và những tập đoàn sản xuất ra loại thực phẩm và giống cây trồng này. Chỉ riêng ở Mỹ, 48/50 bang của nước này có công dân tham gia biểu tình.
Làn sóng phản đối nổ ra sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm tòa án ra lệnh dừng bán hạt giống của Monsanto và yêu cầu Bộ Nông nghiệp nước này tạo điều kiện thúc đẩy các giống cây trồng BĐG.
Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ gần đây bác bỏ đề xuất cho phép các bang quy định ghi nhãn bắt buộc đối với thực phẩm cây trồng BĐG. Được cấp bằng sáng chế đối với 90% hạt giống BĐG, Monsanto đang kiểm soát hầu hết lượng thực phẩm cấp trên thị trường Mỹ.
Nông dân ở nhiều nước trên thế giới đang rơi vào tình thế buộc phải mua giống cây trồng từ Monsanto. Sản phẩm nông dân thu hoạch được không thể dùng làm hạt giống cho vụ sau.
Thực tế là nhiều quản lý cũ của Monsanto nay chuyển sang làm việc cho cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Mỹ là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào do Chính phủ Mỹ tài trợ được thực hiện để xác định những tác động lâu dài của sản phẩm BĐG.
Được chính phủ tiếp tay?
Trong khi thực phẩm BĐG được bán rộng rãi mà người tiêu dùng không hề hay biết, Monsanto ngấm ngầm vận động hành lang để đưa sản phẩm của mình được trồng và bán tự do mà không vấp phải sự can thiệp hay giám sát nào.
Tổ chức phi chính phủ Food and Water Watch (Giám sát Thực phẩm và Nước) gần đây tổng hợp hơn 900 bức điện tín ngoại giao do trang WikiLeaks tiết lộ cách đây hai năm cho thấy quan chức ngoại giao Mỹ đã lên một chiến dịch có hệ thống để dọn đường cho sản phẩm BĐG vào thị trường châu Âu và nhiều nước khác.
Hàng loạt hoạt động quan hệ công chúng riêng rẽ, tuyên truyền báo chí và hội nghị về công nghệ sinh học được tổ chức để thuyết phục các nhà khoa học, báo chí, công nghiệp, nông dân, nhóm quan chức được lựa chọn và một số đối tượng khác về tính an toàn và lợi ích của sản phẩm BĐG. Khoảng 7% số điện tín đề cập tên của các công ty, và 6% nhắc đến Monsanto.
Wenonah Hauter, Giám đốc điều hành của Food and Water Watch nói rằng, thật đáng lo ngại khi quan chức chính phủ nỗ lực đến mức đó để thúc đẩy ngành công nghiệp này.
“Tôi đặc biệt quan ngại trước tình trạng quá nhiều bức điện tín ngoại giao tập trung vào việc thay đổi luật và quy định ở nhiều nước như vậy”, Hauter nói.
Hãng Monsanto nói rằng, họ tôn trọng quyền thể hiện quan điểm của mọi người, nhưng vẫn khăng khăng khẳng định các loại hạt giống của họ cải thiện nông nghiệp, vì có thể nâng cao năng suất mà lại giúp tiết kiệm nước và năng lượng.
Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện trong ba năm của Đại học Kansas (Mỹ) trên vành đai ngũ cốc của Mỹ cho thấy, ngay cả trong điều kiện tối ưu, giống đậu nành BĐG cho năng suất thấp hơn 10% so với giống đậu nành truyền thống. Hầu hết ngô, đậu nành và bông trồng ở Mỹ ngày nay đều là giống BĐG. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thực phẩm BĐG gây nguy cơ đối với sức khỏe con người, đặc biệt là ung thư.
Tháng 9/2012, các nhà khoa học Pháp công bố nghiên cứu được thực hiện trong hai năm cho thấy đàn chuột được nuôi bằng ngô BĐG hoặc tiếp xúc với loại thuốc diệt cỏ bán rất chạy của Monsanto có rất nhiều khối u, nhất là u vú, đồng thời bị tổn thương đa nội tạng, trong đó có gan và thận.
Bình Giang
Tổng hợp
Monsanto từng sản xuất chất độc da cam rải ở Việt Nam
Tháng 1/2004, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện 37 hãng sản xuất chất độc da cam (thuốc diệt cỏ) được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Trong số bị đơn có Dow Chemical và Monsanto - hai công ty sản xuất chất độc da cam lớn nhất cho quân đội Mỹ. Viện Hàn lâm Mỹ từng khẳng định có mối quan hệ nhân quả giữa chất độc da cam và 11 loại bệnh, trong đó có ung thư.
Tháng 1/2006, toà án dân sự cấp cao Seoul (Hàn Quốc) ra phán quyết yêu cầu Dow Chemical và Monsanto bồi thường 62 triệu USD cho phí bồi dưỡng sức khoẻ các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam. Hằng năm, chính phủ Mỹ chi khoảng 1,5 tỷ USD cho các cựu binh Mỹ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.