500 doanh nghiệp lớn nhất 2012
> Chặn công nhân Vinashin vì nợ 23 triệu USD
> Không thể bỏ qua chuyện nợ triệu tỷ
Ngày 18-1-2013, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), kết hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức lễ trao giải VNR500- Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012.
2012 là năm thứ sáu liên tiếp Bảng xếp hạng được công bố. Với những chuyển biến qua từng năm, VNR500 trở thành minh chứng khách quan chứng tỏ sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đối phó với khó khăn, tận dụng cơ hội để đổi mới và xây dựng nền tảng phát triển trong dài hạn.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 ghi danh 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012, đồng thời cũng ghi nhận sự trưởng thành của 500 doanh nghiệp thuộc nhóm tư nhân - nhóm doanh nghiệp luôn chiếm tỷ lệ đông đảo về số lượng trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, không ngừng khẳng định hiệu quả hoạt động qua từng năm, đồng thời cũng tích cực đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp có mặt trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 không chỉ là những doanh nghiệp lớn về doanh thu mà còn về danh tiếng và thương hiệu.
Doanh thu tăng đều hàng năm
Theo thống kê từ số liệu của Bảng xếp hạng VNR500 từ năm 2007 đến nay, tốc độ tăng tổng doanh thu chung và doanh thu của từng loại hình doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, phụ thuộc phần nhiều vào tình hình kinh tế và kinh doanh tại Việt Nam, nhưng xu hướng chung là đều tăng trưởng so với năm trước.
Năm 2009, sự suy giảm của kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, khiến tổng doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 tăng rất ít, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn BXH năm 2010 so với năm 2009 tăng chỉ 7,83%, thấp hơn nhiều so với 2 năm trước đó (trên 40%).
Năm 2010, nhờ gói cứu trợ kịp thời từ phía Chính phủ, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp có phần bớt khó hơn, tổng doanh thu của bảng xếp hạng VNR500 năm 2011 vì thế cũng cao hơn.
Tuy vậy, năm 2011 tiếp theo lại là một năm đầy thử thách của các doanh nghiệp, khi kinh tế vĩ mô đầy bất ổn, tình trạng lạm phát tăng cao, cộng thêm hệ thống tài chính đang có nguy cơ "nghẽn mạch" do nợ xấu gia tăng, tỷ lệ tăng trưởng tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng VNR500 năm 2012 lại có xu hướng giảm xuống (tăng 2,37% so với năm 2011).
Nhìn chung qua các năm, mặc dù kinh doanh có giảm sút song doanh thu của nhóm DNTN luôn tăng trưởng. Có thể thấy, dù không được coi là "đầu tàu" hay "con cưng" nhưng nỗ lực tự thân vận động, nhỏ nhưng không yếu, của các
Đáng ghi nhận
Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cao hơn so với các nhóm DNNN và DNTN
Soi kỹ hơn về số liệu từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2012, rõ ràng, các doanh nghiệp VNR500 hoạt động khá hiệu quả trong năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế không mấy khả quan.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu - ROE của các doanh nghiệp VNR500 trung bình đạt 20%, đồng nghĩa với việc cứ 10 đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp thu về được 2 đồng lãi. Trong số đó, đáng lưu ý là nhóm DN FDI với tỷ suất ROE cao hơn hẳn so với nhóm DNNN và DNTN.
Theo đó, ROE của khối FDI là 39,22%, nghĩa là với mỗi đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp FDI thu về 0,39 đồng lời, trong khi chỉ số này của nhóm DNNN và DNTN lần lượt là 16,28% và 15,53%. Chính nhờ khả năng kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận của khối DN FDI cũng cao hơn so với các khối DN khác.
Xét theo ngành nghề hoạt động, ngành viễn thông, hóa chất, cơ khí và nông lâm nghiệp là các ngành có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ cao nhất (đạt trên 25%).
Kết quả khả quan này trái ngược hoàn toàn so với ngành điện, khi tỷ suất lợi nhuận của ngành đang đạt mức âm do chi phí phát sinh cao hơn doanh thu đạt được.
Năng lực sử dụng và quản lý nợ chưa thực sự tốt
Điều này được thể hiện thông qua hệ số nợ/ tổng tài sản của DN. Theo thống kê VNR500 năm 2012, hệ số nợ của nhóm DNNN đạt 0,7, trong khi nhóm DNTN đạt 0,8 và DN FDI đạt xấp xỉ 0,5.
Con số trên cho thấy, đặc trưng chung của các DN Việt Nam hiện nay vẫn là sử dụng nguồn vốn vay làm nguồn vốn kinh doanh chính (tương tự kết quả khảo sát các doanh nghiệp VNR do Vietnam Report thực hiện đầu năm 2012 về nguồn vốn vay chính của DN trong năm 2011).
Đương nhiên, với thực trạng lãi suất vay ngân hàng trong năm 2011 có khi lên tới hơn 25% thì khả năng thanh toán hiện hành của DN sẽ có nguy cơ giảm sút là điều chắc chắn, đồng thời ảnh hưởng tới chi phí vốn vay, gián tiếp làm giảm lợi nhuận của DN.
Dấu ấn Bắc Ninh
Luôn là thành phố có lượng doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng VNR500 khá khiêm tốn trong thời gian vừa qua, năm 2012 thực sự là một năm đáng nhớ của Bắc Ninh.
Nhờ những đóng góp đáng kể về doanh thu của Công ty TNHH Samsung Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 2007, Bắc Ninh lọt vào Top 5 tỉnh thành có tổng doanh thu từ doanh nghiệp VNR500 lớn nhất (chỉ với 4 DN thuộc BXH nhưng doanh thu của các DN Bắc Ninh đã chiếm tới 3,18% tổng doanh thu toàn BXH VNR500 năm 2012).
Những con số trên đây phần nào đã phác họa được toàn cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua. Rõ ràng, khi nền kinh tế và môi trường kinh doanh đang ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải vững mạnh không chỉ đơn thuần để tồn tại mà phải sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài bởi sự tinh tế và linh hoạt của những sáng tạo mới từ các doanh nghiệp này luôn là bài toán khó đối với các DN Việt Nam hiện nay.
Trong năm tới đây, các DN Việt sẽ cần phải nhìn nhận lại và học hỏi rất nhiều từ các DN nước ngoài, để "thành công" không chỉ dựa trên những con số chỉ tiêu vượt kế hoạch đơn thuần mà phải gắn liền với tăng trưởng bền vững và kinh doanh hiệu quả.
Theo Vinacorp