1. Sai lầm trong xông hơi giảm béo
Nhiều người muốn giảm béo phì một cách nhanh chóng bằng cách xông hơi thật lâu, cho mồ hôi ra thật nhiều, nhưng điều này thật sai lầm.
Nguyên tắc xông hơi chỉ khoảng 10 phút. Nếu xông hơi lâu và quá nhiều sẽ gây mất nước nhanh chóng, cùng cảm giác choáng và ngất xỉu.
Ngoài ra, còn có những điểm cần lưu ý: khi xông nên hít hơi vào từ từ bằng đường miệng; sau khi xông uống một tách trà gừng nóng có pha ít đường bạn sẽ cảm thấy sảng khoái hơn nhiều...
2. Tắm sau khi xông
Theo các chuyên gia y học, sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh. Bởi vì các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước, việc tắm lại làm các lỗ chân lông co bít lại, giữ nước gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, gây đau nhức cơ thể và có thể bị cảm lạnh, làm tổn thương phổi, và gây tiêu hóa kém...
Cần phải tắm vệ sinh cơ thể trước, sau đó mới xông hơi nóng rồi lau lại bằng khăn khô sạch trước khi lên bàn massage. Nếu xông hơi nóng thì ít phải 6 giờ sau bạn mới được tắm.
3. Xông hơi sau khi nhậu
Một sai lầm rất thường gặp (nhất là với các quý ông), sau khi ăn nhậu no say, thường "khoái" đi xông hơi-massage. Điều này rất bất lợi cho sức khỏe của các quý ông, nhất là tim mạch. Ngoài ra, không nên xông hơi-massage khi đang bị rối loạn tim mạch, đang mắc các bệnh ngoài da, bị bệnh chàm; phụ nữ ngày đèn đỏ hay đang có thai...
4. Xông càng nhiều càng tốt
Theo đông y, mồ hôi là một loại tân dịch, là một dạng của âm huyết. Huyết và khí nương nhau. Nếu ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí. Do đó không được xông hơi liên tục trong tuần. Nếu xông liên tục như thế cơ thể sẽ bị mất nhiều dưỡng khí (năng lượng), bên cạnh đó còn có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch.
Lưu ý khi xông hơi:
- Xông giải cảm chỉ xông một lần.
- Người trẻ, người khỏe, người mập mạp có thể cho ra nhiều mồ hôi.
- Người yếu, người gầy, người cao tuổi, người dễ ra mồ hôi chỉ nên cho ra ít mồ hôi mỗi lần và thời gian xông hơi không nên kéo dài.
- Người già yếu suy nhược, người bệnh nặng, người bị sốt do siêu vi, phụ nữ có thai không nên xông hơi.
- Ai bị cảm cúm, đau mỏi nên đến các cơ sở uy tín để trị liệu xông hơi bằng lá thuốc và có sự kiểm tra, tư vấn của bác sĩ.
- Chỉ nên tiếp tục xông khi có cảm giác thoải mái sau mỗi lần xông.
- Nếu trong người cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt sau mỗi lần xông thì không nên tiếp tục.
- Chỉ nên để nhiệt độ xông cao hơn nhiệt độ cơ thể từ 7-8 độ C và không được quá 30 phút.
- Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn tay chân thì cần ngừng ngay, trường hợp nguy cấp phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
- Ngoài ra nên uống bù nước sau khi xông. Có thể uống một ly nước trà gừng nóng hoặc nước chanh nóng. Không nên dùng các loại nước ướp lạnh hoặc nước đá liền sau khi xông sẽ gây mất cân bằng nhiệt độ trong cơ thể một cách đột ngột.