5 kiểu bạn bè bạn nên bỏ qua

Bên cạnh người thân thì bạn bè chính là một phần không thể thiếu của mỗi người trong xã hội hiện đại. Không chỉ là một mối quan hệ, những người bạn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống mỗi người.
Ảnh minh họa: Internet

Bạn bè là nơi để ta chia sẻ buồn vui, là đối tác làm ăn, là ông tơ bà nguyệt… Thậm chí đã có những nghiên cứu chỉ ra, lợi ích sức khỏe của việc có được những người bạn tốt.

Tuy nhiên, “những người bạn xấu có thể khiến bạn căng thẳng, thất vọng hoặc thậm chí đặt bạn vào tình thế nguy hiểm nếu hành vi của họ gây hại cho bạn và người thân” - Theo quan điểm của nhà xã hội học, Tiến sĩ Jan Yager, tác giả cuốn “Khi tình bạn tổn thương”.

Dành thời gian và sức lực cho những người không đáp lại chân tình của mình - hay cho những người chỉ mang đến cho bạn những điều tai hại có thể ảnh hưởng không tốt đến cả tinh thần và sức khỏe của bạn.

Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của Đại học College London (Anh) đã chỉ ra rằng, những mối quan hệ khiến bạn căng thẳng hay bất an thậm chí có thể khiến bạn bị lão hóa trước tuổi.

Theo đó, có 5 mẫu bạn bè không nên được gọi là bạn:

1. Người luôn có tâm trạng tiêu cực

Tâm trạng - cả tốt và xấu - đều rất dễ “lây”. Các nghiên cứu đã cho thấy điều này là đúng trong cả cuộc sống thực lẫn trên mạng xã hội. Chẳng có gì sai khi bạn “xả” hết những khó chịu trong lòng với đồng nghiệp hay khóc trên vai người yêu khi bạn cảm thấy tồi tệ. Nhưng cân bằng được những cảm xúc không hay đó với việc chia sẻ với họ những điều vui vẻ là rất quan trọng.

Tiến sĩ Yager đặt ra câu hỏi rằng “Khi bạn nói chuyện điện thoại với bạn bè, gửi email hay tin nhắn hoặc gặp gỡ trực tiếp, bạn có cảm thấy thật lạc quan và tích cực? Hay người bạn đó khiến bạn cảm thấy mình thật tồi tệ, bị kích động hay thậm chí mệt mỏi thể xác?”.

Nếu cô bạn của bạn đang phải trải qua chuyện không vui, đó có thể là chuyện bình thường. Nhưng hãy tự hỏi “Liệu đây có phải là trường hợp đặc biệt hay đã trở thành “mãn tính”, khiến bạn thậm chí cảm thấy thật khó để tự kiểm soát cảm xúc của mình?”.

Nếu là trường hợp thứ hai, bạn nên nghiêm túc xem xét đến việc loại bỏ cô bạn tiêu cực này ra khỏi “friend list”.

2. Hàng xóm hay xét nét

Là hàng xóm cạnh nhà nhau, vì thế vào nhiều dịp bạn đã thật tử tế: mời họ đến nhà ăn tối, rủ đi cùng xe và khuyến khích lũ trẻ chơi với nhau. Nhưng nếu những cử chỉ thân thiện của bạn chỉ được đáp lại bằng những lời phàn nàn về tiếng ồn, sân nhà bạn không sạch sẽ, thì những đòi hỏi liên tục của họ có thể làm tổn hại đến sức khỏe của bạn.

Một nghiên cứu năm 2014 của Đan Mạch đã cho thấy các tranh cãi và xung đột thường xuyên trong các mỗi quan hệ xã hội của mỗi người, bao gồm cả những người hàng xóm, có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong ở độ tuổi trung niên. Kiểm soát các mối xung đột có thể giảm bớt những nguy hiểm này. Vì vậy, khi họ lại gây hấn, bạn hãy cố gắng ngồi xuống, xóa bỏ những bất đồng (hay ít nhất là đồng ý bỏ qua cho nhau) một lần và cho tất cả mọi thứ.

3. Kẻ đâm lén

Một cách nào đó, một người bạn khiến bạn thất vọng nhưng lại hứa sẽ bù đắp cho bạn điều đó. Mỗi người đều xứng đáng có cơ hội thứ hai, nhưng có lẽ đây không phải là lần đầu bạn cảm thấy bị cô ấy phản bội. Vậy đâu là giới hạn của bạn? Các mối quan hệ cá nhân thật là phức tạp, vì vậy không dễ dàng gì để quyết định.

Tiến sĩ Yager cho biết, trong nghiên cứu của mình cô nhận thấy khái niệm “không thể bỏ qua” đối với mỗi người là khác nhau. “Có người nói rằng, với cô ấy, đó là khi một người bạn cũ không xuất hiện khi mẹ cô qua đời. Một người khác lại không cảm thấy có vấn đề gì khi cô ấy bước vào và nhìn thấy người bạn cùng phòng đang hôn bạn trai của mình… nhưng cô ấy lại kết thúc tình bạn này mấy năm sau đó, khi cảm thấy bị phản bội trong công việc”.

Trước khi quyết định ngay lập tức chấm dứt tình bạn với ai đó - hay nối lại tình bạn này - hãy ngồi xuống và cân nhắc tất cả các khía cạnh của việc họ khiến bạn mất lòng tin, bao gồm cả việc nó khiến bạn cảm thấy tồi tệ đến thế nào. “Bạn có thực sự tha thứ cho họ? Họ đã bao giờ mong bạn tha thứ hay xin lỗi bạn? Điều này chỉ là cá biệt hay thường xuyên như vậy? Và những gì trong lòng bạn nói về người bạn này và về tương lai tình bạn của hai người?” Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn quyết định liệu có thể hàn gắn mối quan hệ hay nên kết thúc?.

4. “Chuyên gia” hủy hẹn

Nếu bạn dành nhiều thời gian để chờ người này xuất hiện - hay cố gắng lên lịch và sắp xếp lại kế hoạch - hơn là thời gian thực sự tụ tập với nhau, có lẽ bạn cũng muốn tình bạn này chấm dứt.

Trước hết, hãy tìm hiểu kỹ tại sao bạn ấy luôn gặp vấn đề với việc tuân theo một kế hoạch đã định. Nếu lí do chính đáng, như việc cô ấy có con nhỏ hay cô ấy có vấn đề sức khỏe, hãy hỏi xem liệu bạn có thể làm gì để liên lạc với nhau dễ dàng hơn.

Tiến sĩ Yager cũng đề nghị bạn nên cân nhắc việc bạn nhận được gì và mất gì từ mối quan hệ này. “Nếu chỉ đơn giản là thi thoảng bạn bực mình một chút nhưng lại có những ích lợi thật to lớn - các bạn cười đùa vui vẻ trên điện thoại và có những buổi tối thật vui vẻ khi cùng nhau đi xem phim - đừng vội vàng chấm dứt tình bạn này”.

Mặt khác, nếu bạn đã làm tất cả những gì có thể nhưng chẳng được đáp lại, không nên lãng phí năng lượng thêm nữa. Tất cả chúng ta đều bận rộn. Thường xuyên bị đặt cuối cùng trong danh sách “to do list” của một người bạn chỉ khiến bạn có những cảm xúc tiêu cực mà bạn không cần.

5. Tấm gương xấu

Người bạn đó lôi kéo bạn cùng hút thuốc và uống rượu thâu đêm. Họ chế giễu thói quen ăn uống lành mạnh hay kế hoạch tập thể dục của bạn. Bất kể lỗi lầm nào của người bạn này, nếu bạn cảm thấy mình bị lôi kéo theo những thói quen xấu những lúc các bạn đi cùng nhau, hãy dừng lại.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bên cạnh tâm trạng tồi tệ, nhiều thứ khác có thể “lây lan” giữa những người bạn - bao gồm cảm giác cô đơn, bệnh béo phì và thậm chí là ly hôn. Các lựa chọn chế độ ăn uống của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh: Trong một nghiên cứu của Đại học Illinois (Mỹ) cho thấy, những người đi ăn trưa cùng nhau có khả năng gọi các món ăn giống nhau.

Bạn không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn những người bạn này ra khỏi danh sách - đặc biệt là nếu họ cũng có những phẩm chất tốt hoặc nếu bạn biết họ có khả năng thay đổi. Nhưng hãy nhớ rằng những thói quen không tốt của họ đang chực chờ bạn. Hãy nói chuyện với họ về lý do khiến bạn không ở bên cạnh khi họ những lúc đó!.

Theo Theo SKGĐ