4 động tác giúp đánh bay tác hại của việc ngồi cả ngày

Ngày nay, ít vận động đang phổ biến trong lối sống của chúng ta. Ban ngày chúng ta ngồi bàn làm việc, còn buổi tối lại ngồi xem ti vi nên dù có tập thể dục đủ lượng thời gian khuyến nghị mỗi tuần thì những hệ lụy do ngồi nhiều vẫn tăng lên.

Nhưng đừng vội lo lắng - việc tăng cường vận động mỗi ngày khá là dễ dàng. Dưới đây là một vài địa điểm bất ngờ để bạn có thể vận động nhiều hơn mỗi ngày.

1. Buổi sáng: Bước chùng chân sang hai bên

Việc đầu tiên vào buổi sáng, bạn có thể bắt đầu cải thiện sự mềm dẻo, vận động và sự thoải mái của khớp xương. Trong khi đang đánh răng, hãy thực hiện động tác bước chùng chân sang bên và nhún vài lần.

Bước chân phải sang bên phải, cách chân trái khoảng 1-1,2m, gấp đầu gối phải và giữ chân trái thẳng. Với khớp gối phải thẳng với mắt cá chân phải, nhún ba lần. Sau đó, chuyển trọng tâm qua gót chân phải và trở lại tư thế trung gian. Làm lại 10 lần, và sau đó chuyển sang bên trái.

Động tác này sẽ làm tăng khả năng cử động của khớp háng đồng thời tăng cường các cơ ở vùng thân dưới!

2. Trong khi ngồi làm việc: chạm bàn chân lên ghế

Nếu bạn đang ngồi trên ghế trong văn phòng, ở nhà, trong khi đợi khám bác sĩ hoặc ngồi trên phương tiện giao thông, bạn có thể nhận thấy khớp và cơ thể “cứng đờ” sau khi ngồi quá lâu. Cơ thể của chúng ta được tạo ra là để vận động!

Hãy bước lên và thực hiện một vài động tác nhỏ để giúp cải thiện tầm vận động ngay cả khi bạn không thể di chuyển. Nếu bạn đang ngồi trên ghế văn phòng, chỉ cần đứng lên và quay mặt vào ghế. Ở đây, bạn có thể thực hiện bài tập nhấc cao chân cải tiến.

Co đầu gối phải lên về phía ngực và chạm bàn chân lên ghế, sau đó đặt lại xuống sàn. Làm lại với đầu gối và chân trái. Có thể thực hiện chậm, hoặc tăng thêm bằng cách thực hiện thành từng đợt liên tục không nghỉ. Bước chân lên xuống trong 30 giây.

3. Sử dụng cầu thang: bước lên

Cầu thang rất tốt cho các bài tập tăng cường, nhưng bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ cũng là điều rất được khuyến khích. Vận động dù theo cách nào cũng đều tốt hơn là không vận động!

Cải thiện tầm vận động của hông và độ linh hoạt của phần thân dưới bằng bài tập sau: Bước lên bậc bằng bàn chân gần nhất. Kéo giãn, chùng chân về phía trước và sau đó đưa chân kia lên cùng. Đi lên hết cầu thang theo cách này. Bài tập sẽ giúp tăng cường sinh lực, cải thiện hoạt động của tim và ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy sung sức hơn!

4. Thư giãn trên ghế bành

Đôi khi buổi tối là cơ hội đầu tiên để bạn có thể nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ngay cả khi thư giãn trên đi văng, bạn vẫn có thể tích hợp các cử động nhỏ để giữ cơ thể được thả lỏng và giúp cải thiện khả năng vận động của khớp.

Hãy thả lỏng và tăng cường phần thân trên. Ngồi trên mép ghế, di chuyển bàn chân về phía trước. Chống hai tay lên mép ghế, các ngón tay hướng về phía người và giữ chặt mép ghế. Giữ đầu gối gấp, và hạ người xuống. Thót mông vào và gấp khuỷu tay để lưng gần như tụt ra khỏi mép ghế. Khép khuỷu tay vào người khi hạ xuống và ấn ra sau. Lặp lại 10 lần.

Để tăng độ khó cho bài tập này, bạn có thể luôn duỗi thẳng chân, giữ lưng thẳng và vẫn gần như tụt khỏi mép ghế. Điều này giúp cho cánh tay trên và vùng lõi vững chắc cũng như cải thiện khả năng vận động của vai.

Bằng cách tích hợp những động thái này vào cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và có động lực để vận động nhiều hơn! Nếu bạn vừa mới bắt đầu thói quen tập thể dục, hãy nhớ bắt đầu chậm. Thực hiện những động tác nhỏ, đơn giản trong suốt cả ngày để tăng sự mềm dẻo và khả năng vận động, và để đánh thức tâm trí và cơ thể để sẵn sàng vận động ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào!

Theo Theo Dân trí