'Vỡ' quy hoạch ngành thép - Bài 2:

32 dự án thép ngoài quy hoạch, lợi bất cập hại

TP - Thống kê cho thấy trên toàn quốc hiện có tới 32 dự án thép được cấp phép đầu tư nằm ngoài quy hoạch có nguy cơ phá vỡ cân đối của ngành, gây ra tình trạng đầu tư lãng phí, thiệt hại cho nền kinh tế.

>> Bài 1: Công nghệ lạc hậu, hậu quả nhãn tiền

Vấn đề đặt ra các dự án thép ngoài quy hoạch này sẽ được xử lý thế nào?

Lắp đặt thiết bị ở công trình xây dựng Nhà máy Thép Hà Tĩnh. Ảnh: Hà Thái

Doanh nghiệp tự hại mình

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thống kê của VSA thời gian qua cho thấy, cả nước hiện có 32 dự án thép được cấp giấy chứng nhận đầu tư nằm ngoài quy hoạch.

Việc có quá nhiều dự án thừa dẫn tới phá vỡ cân đối, quy hoạch của vùng, các ngành về cân đối năng lượng (điện), nguyên liệu (quặng sắt), vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt), đặc biệt là môi trường.

Ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương mới đây cũng thừa nhận ngành thép đang phát triển thiếu bền vững, sản xuất bị động. Mặt khác, việc ồ ạt đầu tư vào các dự án thép đã khiến tổng công suất thiết kế của các dự án vượt xa quy hoạch.

Hiện tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần hai lần khả năng đáp ứng nguyên liệu. 80 phần trăm sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Ngành thép vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu.

Nếu tất cả các dự án cả trong và ngoài quy hoạch trên đi vào sản xuất thì, tới năm 2015, công suất của toàn ngành thép trong nước có thể lên tới 28 triệu tấn/năm trong khi  dự báo nhu cầu chỉ ở mức 15 triệu tấn.

Riêng sản xuất thép cán (thép xây dựng) hiện đã đạt công suất 6-7 triệu tấn/năm, dư thừa công suất đến gần 40 phần trăm so với nhu cầu của thị trường nội địa là 4-5 triệu tấn/năm.

“Nghịch lý là các doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được một số loại thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao” - Đại diện VSA nhận xét.

Dư thừa dự án do luật

Về việc có một lượng lớn dự án nằm ngoài quy hoạch, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, chiểu theo Luật Đầu tư, việc một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không xin chủ trương của Thủ tướng đối với những dự án thép không có trong danh mục quy hoạch có vốn đầu tư nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng là không sai.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005/NĐ-CP, những dự án nhóm B có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷđồng vẫn phải xin ý kiến chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng trước khi lập dự án.

“Đây là bất cập lớn xuất phát từ sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật, là nguyên nhân chính khiến hàng chục dự án không có trong quy hoạch đã được cấp phép đầu tư cần sớm được chấn chỉnh”- Ông Quang cho biết.

Theo ông Cường, còn có hai bất cập lớn khác trong việc cấp phép cho các dự án liên hợp luyện kim. Đó là chọn đối tác không chuẩn vì không có điều kiện thu thập thông tin, không đủ kiến thức về công nghệ nên không tính toán đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường. Có những dự án lớn kéo dài 5 - 7 năm, không có ràng buộc chặt chẽ với đối tác nên thời gian thực hiện bị kéo rất dài, chiếm dụng quỹ đất.

Về những thiệt hại do các dự án ngoài quy hoạch, chậm tiến độ gây ra, Tiến sĩ Nghiêm Gia, Phó trưởng phòng Kỹ thuật An toàn, Tổng Cty Thép Việt Nam, cho rằng, lỗi này một phần cũng do nhiều nhà đầu tư không có năng lực cả về vốn lẫn công nghệ hay kinh nghiệm sản xuất thép nhưng vẫn dốc vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ví dụ, Tycoon chỉ có một số nhà máy nhỏ ở Đài Loan và Thái Lan sản xuất thép lá cuộn chứ không sở hữu công nghệ sản xuất gang và thép tấm lá. Cty Jinnan chỉ có một nhà máy cán nóng và cán nguội mới sản xuất từ năm 2006.

Kiểm tra một số điểm nóng

Cũng theo ông Gia, mỗi dự án liên hợp thép chiếm từ 1.000 đến 3.000ha đất. Dự án bị kéo dài đồng nghĩa với việc, một diện tích đất lớn bị chiếm dụng trong nhiều năm, làm lỡ cơ hội cho các nhà đầu tư khác đủ năng lực hơn và lỡ cả cơ hội có được lợi nhuận nếu như dự án đúng tiến độ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trước tình trạng có quá nhiều dự án thép được cấp phép ngoài quy hoạch trong thời gian qua, trong quý III/2009, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án thép tại một số tỉnh có nhiều dự án sản xuất thép. Từ đó kiến nghị UBND các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ điều kiện (công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao có công suất dưới 200m3; lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ).  

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết hiện trên cả nước có 32 dự án không thuộc quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu bảy dự án, Hải Phòng năm dự án, Thanh Hóa, Hải Dương mỗi nơi có bốn dự án, Hà Tĩnh ba dự án. Các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Thuận mỗi tỉnh có một dự án.

Trong số các dự án nằm ngoài quy hoạch này có 24 dự án quy mô vừa và nhỏ không có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.