Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 510.587.373 ca COVID-19, trong đó có 6.248.113 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 586.990 và 2.536 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 463.955.742 người, 41.412.967 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 42.693 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 135.699 ca; Pháp đứng thứ hai với 97.498 ca; tiếp theo là Hàn Quốc (80.301 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 451 người trong ngày; tiếp theo là Đức 307 ca và Nga với 176 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.757.704 người, trong đó có 1.018.730 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.065.666 ca nhiễm, bao gồm 522.374 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.378.061 ca bệnh và 662.866 ca tử vong.
Thu gom, xử lý rác thải liên quan bệnh nhân COVID-19 còn nhiều hạn chế
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra hôm qua cho biết, hiện nay có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển.
Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ ở y tế trong việc tìm đơn vị để chuyển giao chất thải đưa đi xử lý.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu thực tế, trong quá trình chống dịch, rất nhiều cơ sở thu dung, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 xuất hiện tình trạng quá tải chất thải y tế, chất thải lây nhiễm do không được đưa đi xử lý.
Tại cộng đồng, với khoảng 87% ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, nơi lưu trú, đã phát sinh lượng lớn chất thải lây nhiễm nhưng việc thu gom, xử lý còn nhiều hạn chế. Thậm chí nhiều gia đình chưa phân biệt, phân loại chất thải lây nhiễm và chất thải sinh hoạt.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 chiếm tỉ lệ rất lớn, vì vậy, cần phải rà soát lại các hướng dẫn, tăng cường tập huấn, hỗ trợ người dân phân loại chất thải lây nhiễm; bổ sung phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm tại nhà, có kiểm tra, giám sát không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng...