'25 tỉ quả bom nguyên tử' bị giấu kín ở nơi không ngờ trên Trái Đất

Nghiên cứu mới chỉ ra chỉ trong vòng nửa thế kỷ - từ năm 1971 đến 2020 - nhân loại đã gây ra một mối đe dọa khủng khiếp bằng cách giữ lại năng lượng gấp 25 tỉ lần quả bom nguyên tử Little Boy gây ám ảnh của Mỹ ngay trên và trong Trái Đất.

Nghiên cứu công bố trên Earth Systerm Science Data khẳng định nguồn gốc của "25 tỉ quả bom nguyên tử" - tức nguồn năng lượng mạnh 380 zettajoules - chính là sự nóng lên toàn cầu.

Giải thích trong một bài viết trên chuyên san khoa học The Conversation, các nhà khoa học khí hậu Úc Andrew King từ Đại học Melbourne và Steven Sherwood từ Đại học New South Wales cho biết năng lượng nói trên tương đương 25 tỉ lần "Little Boy", quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.

Trái Đất đang bị "ép uổng" hấp thụ năng lượng tương đương 25 tỉ quả bom nguyên tử do con người tạo ra - Ảnh: SHUTTERSTOCK/LIVE SCIENCE.

Chưa kể, năng lượng khổng lồ mà hành tinh của chúng ta bị ép hấp thụ này chỉ tương đương khoảng 60% lượng khí thải nhà kính mà hoạt động của con người gây ra, tức sức phá hoại của nhân loại thậm chí còn cao hơn.

Tuy nhiên, với lượng năng lượng bị giữ lại khủng khiếp này, lẽ ra Trái Đất đã phải tăng hàng chục độ so với thời tiền công nghiệp, thay vì mới 1,2 độ C. Vì vậy họ đã đi tìm những thứ đang cố "cứu vớt" địa cầu.

Nghiên cứu chỉ ra 89% số năng lượng này đã được đại dương hấp thụ; trong khi đất hấp thụ 6%. 4% khác đã được sử dụng để làm tan chảy băng ở các tầng lạnh bao gồm tuyết, băng biển, băng nước ngọt, sông băng, thềm băng, băng vĩnh cửu... và chỉ 1% còn lại trong khí quyển.

1% này cũng đủ để Trái Đất nóng khủng khiếp như chúng ta thấy.

Phần lớn nhiệt do biển hấp thụ bị giữ lại ở khoảng 1 km phía trên đại dương. Nó tạm giải cứu nhân loại, nhưng gây ra sự gia tăng lớn về nhiệt ở bề mặt đại dương, tăng tốc độ băng tan các cực, hủy hoại hệ sinh thái biển và tạo ra những cơn bão nhiệt đới ngày một khốc liệt hơn, chưa kể phá vỡ các dòng hải lưu.

Các tác giả nhấn mạnh các đại dương sẽ không thể bảo vệ hành tinh mãi mãi vì sẽ đến ngày nó "bội thực". Khó định lượng được sự tàn khốc của những thảm họa mà nhân loại sẽ hứng chịu khi đẩy Trái Đát đến điểm tới hạn đó.

Những con số rùng mình một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hạn chế phát thải khí nhà kính, ngăn sự nóng lên toàn cầu - vốn đang khiến khí hậu trở nên ngày một khắc nghiệt và hỗn loạn.

Theo Người Lao Động